Theo thống kê của Tổ chức Sức khoẻ Thế giới, tại Việt Nam, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá chiếm 50% và nữ giới chiếm gần 4%. Mặc dù công tác phòng chống tác hại của thuốc lá được nhà nước tuyên truyền khá sâu rộng, đặc biệt là công tác vận động người dân nói KHÔNG với thuốc lá nhập lậu (bởi theo công bố từ kết quả kiểm nghiệm của Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá Việt Nam, một số loại thuốc lá nhập lậu có chứa chất độc diệt chuột Coumari - loại độc tố gây độc gan và nguy cơ ung thư cao). Thế nhưng, dường như thói quen hút thuốc lá là điều không dễ từ bỏ. Ở đây tôi không muốn đề cập vấn đề liên quan đến sở thích và quyền riêng tư của mỗi cá nhân, mà chỉ muốn kể câu chuyện về cách nhìn, cách hiểu, cách trả lời của một tài xế xe tải với người quản lý trực tiếp, để mọi người tự định hướng điều chỉnh nhận thức của mình trước tiến trình của yêu cầu đổi mới.
Chuyện là: Lãnh đạo vừa ban hành một chỉ thị mới áp dụng biện pháp chế tài phạt 1.000 đồng/tàn đầu lọc thuốc lá đối với cả phân xưởng (sẽ trừ vào tiền thưởng hoàn thành KPIs tập thể cuối năm) nếu nhân viên tạp vụ thu gom được “tàn dư” của thuốc lá ở hành lang - dãy phân cách giữa nhà xưởng và khối nhà văn phòng, kể cả trong toilet hay phòng thay đồ. Khoản tiền phạt sẽ được sung vào công quỹ làm thù lao trả cho nhân viên tạp vụ vào dịp cuối năm từ việc phải “giải quyết hậu quả” của sự kém ý thức giữ gìn vệ sinh chung.
Sau khi đọc thông báo, người tài xế xe tải đặt câu hỏi với quản lý trực tiếp rằng: “Nếu người tạp vụ lượm được cây đầu lọc thuốc lá mà đôi khi do người công nhân đi ngang dãy hành lang rồi sẵn tay vứt ở bãi xe, thì công ty sẽ phạt ai?”.
Trong công tác quản lý bất kể là tầm vĩ mô hay vi mô, việc ban hành các quy định, biện pháp mang tính chế tài là rất cần thiết. Bởi khi quyền lợi bị đụng chạm, bị đe dọa thì nhận thức của con người mới được điều chỉnh. Thông thường khi đứng trước một yêu cầu buộc chúng ta phải thay đổi thói quen, cả tốt lẫn xấu, cảm giác đầu tiên xuất hiện là sự không thoải mái, nhiều khi tìm cách bao biện để không cảm thấy bị “oan”. Trường hợp thắc mắc của người tài xế trên có thể xem là một điển hình.
Nếu mỗi người trong công ty khi nhìn thấy tàn dư thuốc lá trên đường đi của mình cúi xuống để lượm và bỏ vào thùng chứa tàn thuốc thì chắc công ty sẽ không phải đặt ra chế tài kia, và cũng chẳng còn ai lo bị “oan ức” khi phải chịu cảnh bị “phạt lây”. Chính chúng ta sẽ “lãnh đủ” những tác hại, hậu quả xuất phát từ suy nghĩ kém cỏi và thói quen vô ý thức của chính mình.
Suy cho cùng, để duy trì được một môi trường xanh, sạch, đẹp, cần lắm sự cầu thị của người làm công tác dẫn dắt và bàn tay gìn giữ, nâng niu, chăm chút của tất cả mọi người.
NHQ
TAG: