Góc nhìn về năng suất

Thứ ba, 30/01/2018, 14:08 GMT+7

Theo Viện Năng suất Việt Nam, Năng suất là thước đo mức độ hiệu quả của các hoạt động tạo ra kết quả đầu ra (số lượng, giá trị gia tăng) từ các yếu tố đầu vào (lao động, vốn, nguyên liệu, năng lượng…), được biểu thị bằng công thức:

bt67-1-1

Từ năm 1958, Cơ quan Năng suất Châu Âu (EPA) đã đưa ra định nghĩa về năng suất hiện được nhiều quốc gia sử dụng như sau: “Năng suất là một hình thái tư duy, đó là thái độ luôn tìm kiếm để cải thiện những gì đang tồn tại. Vì có một sự chắc chắn rằng, con người ngày hôm nay có thể làm việc tốt hơn hôm qua – ngày mai tốt hơn hôm nay và dù kết quả có như thế nào, ý chí cải tiến mới là quan trọng; đó là khả năng luôn thích ứng với các điều kiện thay đổi và nỗ lực không ngừng để áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới; và là niềm tin chắc chắn vào sự tiến bộ của nhân loại”.

Để phân tính, đánh giá về năng suất của doanh nghiệp, người ta sử dụng hệ thống các chỉ tiêu năng suất gồm 2 nhóm sau:

1/ Năng suất tính theo từng yếu tố đầu vào (Factor Productivity), được tính bằng: Đầu ra/một yếu tố đầu vào. Ví dụ: Năng suất lao động = Đầu ra/số lao động. Nhóm chỉ tiêu này dùng để phân tích hiệu quả của từng yếu tố đầu vào.

2/ Năng suất tính theo các yếu tố đầu vào (Total Factor Productivity) hay còn gọi là Năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). Chỉ tiêu này phản ánh kết quả được tạo ra do tác động của các yếu tố: chất lượng lao động, áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ quản lý v.v…

Để giải bài toán về tình trạng năng suất lao động người công nhân Việt Nam thấp kém so với các nước trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với 600 triệu dân, ngoài việc hiểu rõ khái niệm và lựa chọn loại hình chỉ tiêu đo lường năng suất phù hợp với mô hình doanh nghiệp của mình, một yếu tố không kém phần quan trọng chính là xác lập góc nhìn của các bên trước những tổn thất về mặt vật chất (định lượng), cảm xúc (định tính) và những mối đe dọa (dự đoán) sẽ gây tác động xấu đến tiền đồ của mỗi người lao động và cả doanh nghiệp nếu năng suất lao động không được cải thiện một cách đáng kể. 

Giới doanh chủ và người lao động sẽ nghĩ gì và làm gì để vượt qua những giới hạn và rào cản? Không thể chỉ dừng ở việc nhận biết đúng vấn đề hay làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình hay doanh nghiệp, quốc gia mình. Quan trọng hơn, cần phải tạo ra sự thay đổi từ trong tư duy.

Nếu chúng ta chỉ giải quyết những vấn đề ở ngọn (dựa trên những triệu chứng bên ngoài) hoặc chẩn đoán sai vấn đề (căn nguyên nội tại) của năng suất thấp kém thì chúng ta sẽ không thể cải thiện được những vấn đề mà chúng ta muốn thay đổi. Hài hòa lợi ích của đôi bên bằng tinh thần cộng tác với trách nhiệm và tính kỷ luật cao, cùng nhìn về mục tiêu chung để tạo ra hiệu suất và hiệu quả công việc hướng đến cân bằng công việc và cuộc sống là một xu thế tất yếu của con người sống trong thế kỷ 21.

NHQ

TAG:

Ý kiến của bạn