Học cách tôn trọng

Thứ ba, 30/01/2018, 14:03 GMT+7

Trung Quốc ai cũng biết là một quốc gia rộng lớn, đông dân và có giá trị văn hóa truyền thống lâu đời ảnh hưởng sâu sắc đến những nền văn hóa khác trên thế giới. Chuyện hay cũng có mà chuyện dở cũng nhiều. Tuy nhiên, những câu chuyện về đề tài giáo dục luôn thâm thúy, sâu sắc và mang nặng triết lý nhân văn theo thuyết giáo Khổng Tử, như chuyện sau.

Một người phụ nữ khoảng hơn 40 tuổi, dáng vẻ sang trọng quý phái dẫn theo đứa con trai đi đến hoa viên ở lầu dưới của một tòa cao ốc vốn là tổng bộ của một xí nghiệp nổi tiếng tại Thượng Hải. Bà ta thong thả ngồi xuống một chiếc ghế dài lôi bịch thức ăn ra...

Lát sau, người phụ nữ vứt một mẩu giấy vụn xuống đất. Cách đó không xa có một ông lão đang quét rác. Không nói lời nào, ông đi đến lượm mẩu giấy đó lên và bỏ nó vào trong thùng rác bên cạnh.

Lúc sau, người phụ nữ lại vứt thêm một mẩu giấy. Ông lão một lần nữa lại đi đến nhặt mẩu giấy đó lên bỏ vào trong thùng rác. Cứ như vậy, ông lão đã lượm ba lần liên tục.

Người phụ nữ chỉ vào ông lão rồi nói với cậu con trai mình rằng: “Đã nhìn thấy chưa con, bây giờ nếu không cố gắng học hành, tương lai cũng sẽ giống như ông ta, chẳng có tiền đồ gì cả, mà chỉ có thể làm cái công việc thấp kém này thôi!”.

Ông lão nghe xong liền buông cây chổi xuống, đi đến nói: “Chào cô, nơi đây là hoa viên tư gia của tập đoàn này, cô đã vào đây như thế nào vậy?”.

Người phụ nữ trung niên cao ngạo nói: “Tôi là giám đốc ngành hàng vừa mới được tuyển dụng vào đây”.
Lúc này, một người đàn ông đứng tuổi vội vàng đi đến, rất mực cung kính đứng trước mặt ông lão và từ tốn nói: “Thưa Tổng giám đốc, hội nghị sắp bắt đầu rồi!”. Ông lão chậm rãi: “Tôi đề nghị cách chức người đàn bà này ngay lập tức!”. Người đó ngạc nhiên nhưng vẫn nói: “Thưa vâng, tôi sẽ lập tức làm theo chỉ thị của ngài!”.

Ông lão dặn dò xong, liền đi thẳng đến chỗ cậu bé, ông đưa tay sờ đầu của cậu, nói một cách với ngụ ý sâu xa rằng: “Ông mong cháu hiểu rằng, điều quan trong nhất trên đời này là cần phải học cách biết tôn trọng mỗi người và thành quả lao động của họ”.

Người phụ nữ trung niên sang trọng đó kinh ngạc đến ngây người trước sự việc diễn ra trước mắt. Một lúc sau bà ta vẫn ngồi sững trên chiếc ghế dài, nếu như biết đó là Tổng giám đốc thì nhất định bà sẽ không có thái độ vô lễ đến như vậy. Nhưng bà đã làm rồi, hơn nữa còn làm trước mặt của vị Tổng giám đốc đang trong thân phận một người làm vườn. Tại sao vậy? Lẽ nào là bởi sự sang hèn của thân phận chăng?

Tôn trọng mỗi một người thì chớ nên lấy thân phận để mà phân biệt. Có thể đây là thói quen vô tình của bạn vốn dĩ là điều không thể giả tạo được, bởi nó thường sẽ luôn để lộ ra mặt chân thật trong nhân cách của chính bạn.

Tài sản là thứ không vững bền, nhưng học được cách tôn trọng mới là tài sản cao nhất của cả đời người vậy!

Hồng Phước

TAG:

Ý kiến của bạn