Hầu hết các nhà quản lý, nhà lãnh đạo đều chỉ quan tâm đến việc huấn luyện và đào tạo về chuyên môn cho thuộc cấp, ít ai nghĩ đến hoặc thực hiện tham vấn nhằm giúp đỡ nhân viên biết cách kiểm soát cảm xúc. Trong khi thực tế, cả chất lượng cuộc sống và chất lượng công việc đều bị chi phối rất nhiều bởi cảm xúc.
Nhận thức được rằng mình cần làm tốt hơn nữa ở vai trò lãnh đạo, tức cần tham vấn cho những người mình dẫn dắt, giúp đỡ họ kịp thời kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực để chuyển hóa thành những năng lượng mới thông qua suy nghĩ, thái độ và hành vi được cải thiện, tôi đã quyết định tham gia lớp học Ứng dụng những kỹ năng tham vấn trong quản lý và hỗ trợ nhân viên do Human Dynamic tổ chức.
Theo định nghĩa của Hiệp hội các nhà tham vấn Hoa Kỳ: “tham vấn là quá trình hỗ trợ có hệ thống tập trung vào sự khỏe mạnh và sự phát triển của thân chủ”. Như vậy, muốn làm tốt vai trò tham vấn thì phải nắm rõ những nguyên tắc, kỹ năng cần thiết phục vụ quá trình tham vấn.
Có sự khác biệt nào giữa công tác huấn luyện và tham vấn không?
Huấn luyện thường thiên về mục đích cải thiện công việc trong tương lai thông qua rèn luyện các kỹ năng nhằm thay đổi hành vi, nâng cao hiệu suất và cải thiện kết quả làm việc, hoàn toàn không có yếu tố chẩn đoán tâm lý. Còn tham vấn thì hướng đến sự “khoẻ mạnh” của tâm trí nhằm cải thiện cảm xúc và hồi phục những chấn thương về tâm lý trong hiện tại hay quá khứ.
Tham vấn hay còn được gọi là tư vấn, là việc giải quyết nhu cầu cần được giải tỏa về mặt tâm lý. Đó là những cảm xúc xuất phát từ tâm trạng và nỗi niềm của một cá nhân nào đó do những yếu tố tác động từ bên ngoài. Những triệu chứng cảm xúc tiêu cực nếu rơi vào tình trạng mất kiểm soát thì sẽ nhanh chóng tác động trực tiếp làm giảm sút sức khoẻ tinh thần của con người, nó sẽ làm cho con người ta mất ăn, mất ngủ, bị đau nhức, ê ẩm mình mẩy hoặc ăn ngủ một cách thái quá. Trong y học, người ta gọi đó là rối nhiễu tâm thể (hành vi vắng ý thức).
Những cảm xúc phổ biến của nhân viên cần sự nâng đỡ thường rơi vào những tình huống như sau:
- Công ty chuẩn bi giải thể, sáp nhập hoặc tinh giản biên chế.
- Thay đổi sếp quản lý trực tiếp.
- Làm lâu năm nhưng không được xét tăng lương/ đề bạt ở vị trí cao hơn.
- Bị thuyên chuyển sang một vị trí công việc khác.
- Bị giáng chức hoặc bãi nhiệm.
- Bị những cú sốc do mất người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp.
- Được giao một nhiệm vụ quan trọng nhưng năng lực và khả năng chưa sẵn sàng.
- Và nhiều trường hợp khác.
Những hành động biểu hiện khi họ mắc phải những vấn đề cảm xúc thường là làm việc qua loa cho xong, cố tình trì hoãn, từ chối hợp tác hoặc dừng việc đột ngột.
Khi nhà quản lý hay nhà lãnh đạo đặt mình ở vai trò của nhà tham vấn thì sự đồng cảm là tiêu chí phải được đặt lên hàng đầu. Sự đồng cảm ở đây ám chỉ tự đặt mình ở hoàn cảnh của thân chủ (người cần tham vấn) thông qua việc quan sát, lắng nghe, thấu hiểu rồi sau đó đưa ra những câu hỏi đi vào tầng sâu của vấn đề để gợi mở cho thân chủ mình mở lòng chia sẻ. Lời khuyên khách quan dành cho những người đang trong hoàn cảnh bế tắc là cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng cần đưa ra những lời khuyên, vì như vậy sẽ khiến cho thân chủ quá phụ thuộc rồi sanh tính ỷ lại về sau.
Công tác tham vấn thực hiện đúng sẽ giúp nhà quản lý và nhà lãnh đạo:
1. Thắt chặt mối quan hệ, tăng gắn kết với nhân viên.
2. Trợ giúp sức khoẻ tinh thần cho nhân viên.
3. Hạn chế được những rủi ro nhờ hỗ trợ sớm để giải quyết những vấn đề sức khoẻ tinh thần của nhân viên.
Một số nguyên tắc cốt lõi cần phải tuân thủ trong quá trình tham vấn:
1. Đảm bảo tính bảo mật, nhưng cũng sẽ có những trường hợp ngoại lệ khi nhà tham vấn cần trưng cầu ý kiến của cấp trên, gia đình thân chủ hay nhà chức trách; thân chủ có ý định tự gây hại bản thân hoặc muốn gây hại người khác.
2. Chấp nhận con người hiện tại của thân chủ, không xem họ như là người bệnh hoặc đem đi so sánh với người khác.
3. Không có định kiến với những bộc lộ cảm xúc của thân chủ.
4. Tôn trọng quyền của thân chủ - quyền được nói hoặc dừng cuộc trò chuyện.
5. Không đưa ra bất kỳ lời hứa nào.
Có bốn lưu ý đối với những ai tự nguyện đặt mình ở vai trò tham vấn cho người khác, đó là:
1. Xây dựng lòng tin.
2. Tập trung vào cảm xúc của thân chủ.
3. Giới hạn phạm vi (không đi ra ngoài cảm xúc của thân chủ).
4. Chuyển giao cho nhà tâm lý chuyên nghiệp khi thấy cần thiết.
Tựu trung, mục đích của việc tham vấn là nâng đỡ cảm xúc cho nhân viên, nó không đòi hỏi người quản lý hay nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm tháo gỡ những khó khăn mà chỉ yêu cầu thúc đẩy tính trách nhiệm với những người đang đối mặt với rắc rối và khó khăn.
Bởi vì không ai khác, mà chính mỗi chúng ta phải là người tự chịu trách nhiệm về những suy nghĩ và hành vi của mình.
NHQ
TAG: