Trong các phương cách quản trị dùng để phát triển nguồn lực đội nhóm, phương pháp coaching (huấn luyện) có được hiệu quả tác động hai chiều, có được tính mới, tính phát triển tích cực, và mang bản chất nhân văn sâu sắc. Phương pháp này rất đáng được mọi nhà quản lý, các cấp lãnh đạo tham khảo, vận dụng chúng như một sức mạnh mềm hiệu quả trong công tác quản lý nhóm của mình. Hiểu và vận dụng đúng, các nhà quản lý sẽ có được cơ hội tạo nên được nhiều sự khác biệt trong chất lượng, trong thành tích hoạt động của nhóm mình, của phòng ban mình, xa hơn là tạo nên sự khác biệt cho cả tổ chức mình, cơ hội tự tạo được các kỳ tích đáng ngạc nhiên.
Tuy vậy, do các đặc tính riêng của phương pháp coaching, việc triển khai, vận dụng chúng vào môi trường thực tế cũng cần phải có các điều kiện áp dụng phù hợp.
1. Môi trường nuôi dưỡng phù hợp. “Trong cái khó mới ló cái khôn” - một môi trường đầy sinh khí, năng động mang đến nhiều cơ hội phát triển kèm theo các thách thức mới. Các cản trở mới đối với khả năng hiện tại của đội nhóm mới tạo được động lực thật sự cho sự phát triển, cho nhu cầu phải tự cải tiến chất lượng bản thân, nhu cầu tự cải tiến chất lượng hoạt động và mở rộng các khả năng giải quyết vấn đề của đội nhóm. Chúng làm tiền đề cho việc thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo, cho sự cần thiết phải suy nghĩ, hành động tích cực, cho sự chịu khó đầu tư bền vững, và cho các nỗ lực mong muốn tạo ra sự khác biệt.
2. Chất lượng đội ngũ quản lý. Nguyên lý áp dụng của coaching rất đơn giản, thế nhưng để có thể áp dụng được thành công, chúng cũng đòi hỏi người áp dụng phải là người có được những tố chất và kỹ năng thật sự phù hợp cho các phương pháp này. Với Coaching, chúng chỉ phù hợp với những nhà quản lý thật sự có tâm huyết, chân thành mong muốn giúp đỡ các thành viên khác của nhóm cùng phát triển với mình, nhiệt tâm mong muốn xây dựng một đội nhóm phát triển bền vững. Bên cạnh đó, họ còn cần phải được trang bị và vận dụng các kỹ năng mềm mang tính nhân văn sâu sắc như kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu người khác; kỹ năng đặt câu hỏi dẫn hướng, khơi mở tiềm năng nơi người khác; kỹ năng khuyến khích dẫn dụ người, nghệ thuật đắc nhân tâm. Và cần nhất là một tâm hồn đẹp và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm của người quản lý.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, trên tất cả mọi kết quả lao động thành công hay thất bại đều phụ thuộc nhiều vào ý chí thực hiện của con người. Mọi kỹ năng, bản lĩnh đều có thể rèn giũa được, mọi kiến thức đều có thể tiếp cận được nếu chúng ta thật tâm mong ước, nhiệt tâm hành động vì mục tiêu của mình, vì mục tiêu của cả tập thể.
Chí Thông
TAG: