Câu chuyện về những chú cá voi sát thủ nặng hàng tấn ở công viên Thế giới Đại dương Orlando - Florida (Hoa Kỳ)của tiến sĩ Ken Blanchard trong tác phẩm Whale done! (Sức mạnh của sự khích lệ) thật thú vị.
Tôi cũng đã đôi ba lần đi xem cá heo biểu diễn tại Safari Bangkok (Thái Lan), Công viên Đại dương (Hồng Kông), Vườn Chim Jurong (Singapore). Loài cá to lớn có thể uy hiếp bất kỳ sinh vật biển nào, thậm chí có thể tấn công cả con người này đã làm tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi chúng ngoan ngoãn hợp tác với người huấn luyện. Chúng cho khán giả trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc, khi thì hồi hộp đến thót tim, lúc thì cười phá lên một cách khoái chí... Sau những pha biểu diễn gây hào hứng đó, các “nghệ sĩ” cá heo thường nhận được phần thưởng khi thì một con cá, có khi cả xô cá, đôi lúc chỉ là những cái vuốt ve, xoa đầu từ người huấn luyện, nhưng chúng luôn tỏ vẻ hài lòng qua những âm thanh ô ố phát ra hoặc cử chỉ vẫy đuôi. Phần thưởng dù ít dù nhiều nhưng khích lệ là việc không thể bỏ qua trong quá trình huấn luyện cá heo.
Tương tự, với con người, sự khích lệ không phải lúc nào cũng bằng vật chất, đôi khi sự khen ngợi chân thành, sự động viên kịp thời cũng tạo được những luồng cảm xúc phấn chấn, vui vẻ, tự tin và hạnh phúc nơi người được khích lệ. Khi sự khích lệ đã được trao và nhận, sớm muộn gì cũng xuất hiện sự thay đổi mang tính tích cực.
Tuy nhiên, những trường hợp cá biệt muốn sống theo bản năng thì sự khích lệ sẽ bị vô hiệu hóa.
Bỏ qua những sai lầm, những hành vi chướng tai, gai mắt không có chủ đích do thiếu sự chỉ dẫn, huấn luyện và đào tạo; xây dựng lòng tin (sự gắn bó và kết nối) và chỉ tập trung vào những khía cạnh tích cực (mục tiêu, nhiệm vụ cần hoàn thành) là những yếu tố, phẩm chất không thể thiếu với những ai ở vai trò lãnh đạo và quản lý. Thật là xót xa khi ở đâu đó vẫn còn những lối suy nghĩ và hành xử kiểu áp đặt, điều khiển.
Người huấn luyện cần phải nhận biết dấu hiệu bất hợp tác của các chú cá heo để có sự điều chỉnh thích hợp. Tương tự, trong quản trị nhân sự, những biểu cảm và hành vi của nhân viên luôn thách thức khả năng thấu hiểu của những người giữ vị trí quản lý, lãnh đạo.
Áp dụng phương pháp khích lệ một cách có hệ thống và có chủ định là điều mà những bậc làm cha làm mẹ, những ông chủ bà chủ, những nhà điều hành, nhà quản lý, nhà lãnh đạo cần học hỏi và ứng dụng nó một cách linh hoạt, khôn ngoan và có chọn lọc.
Dùng phương pháp khích lệ để định hướng thái độ, hành vi chưa tốt của người khác và không quên tự khích lệ cho bản thân mỗi khi đạt được sự chuyển hướng tích cực trong suy nghĩ và hành động.
Mọi chuyện trong cuộc sống và các mối quan hệ sẽ dần dần được cải thiện khi chúng ta chấp nhận bỏ đi những thói quen “bới lông tìm vết” hay còn gọi là “vạch lá tìm sâu” nơi người khác. Đó chính là thông điệp mà tác giả quyển sách muốn gửi gắm cho những ai đang gặp rắc rối hoặc muốn mình trở nên tốt hơn trong các mối quan hệ giữa con người với nhau.
NHQ
TAG: