Internet là một hệ thống thông tin toàn cầu kết nối hàng ngàn mạng máy tính nhỏ hơn của các doanh nghiệp, của các viện nghiên cứu và các trường đại học, của người dùng cá nhân và các chính phủ trên toàn cầu. Internet được ứng dụng trong mọi lĩnh vực, từ thương mại, chính trị, quân sự, nghiên cứu, đến giáo dục, văn hoá, xã hội... Từ đó, các dịch vụ trên Internet không ngừng phát triển tạo ra cho nhân loại một thời kỳ mới: kỷ nguyên thương mại điện tử. Trước thời kỳ bùng nổ của công nghệ số hóa, chỉ cần vài kỹ năng đơn lẻ hoặc ít kiến thức trong một lĩnh vực nào đó, người ta đã không khó lắm để tìm được một công việc ưng ý hoặc bám trụ với công việc đang làm.
Ngày nay trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ mạng đã làm thay đổi hầu hết các lĩnh vực và ngóc ngách của cuộc sống. Thế giới đã gần như không còn biên giới. Sự nổi trội không còn bị giới hạn bởi màu da, sắc tộc, bằng cấp và tuổi tác. Mọi sự thừa nhận và tán dương đều dựa trên thành tích và khả năng cống hiến trong lao động, bất kể đó là lao động tri óc hay chân tay, ở lĩnh vực kinh tế, chính trị hay nghệ thuật… Sẽ không còn chỗ cho những ai thích chọn nhàn, chọn dễ, vì sự trì trệ có thể làm tê liệt tương lai của một cá nhân, xóa sổ một tổ chức, doanh nghiệp chỉ trong chớp mắt.
Trong thế giới phẳng hôm nay, tính tương thuộc và khả năng làm việc nhóm đang và sẽ thế chỗ cho những kỹ năng đơn lẻ. Để có thể thích nghi, tồn tại và tiến về phía trước trong môi trường mới, theo người viết, mỗi cá nhân cần xác định và làm theo 3 tiêu chí dưới đây:
1. Không chọn nhàn, chọn dễ.
2. Chủ động bước ra ngoài vùng thoải mái.
3. Học nhanh những gì cần học.
Để nhân viên loại bỏ được sự nhút nhát, trì trệ trong nhận thức để có được cái nhìn, cái hiểu tích cực với tiến trình thay đổi của tổ chức, hơn ai hết, người quản lý phải trở thành tác nhân xung kích đảm nhiệm công tác tuyên truyền (giáo dục) và chia sẻ thông tin (trao đổi và giải đáp) nhằm giúp cho họ hiểu rõ những giá trị mang lại từ sự thay đổi cho cả phía người lao động và doanh nghiệp. Bởi một thực tế không thể phủ nhận là mọi vấn đề liên quan đến an sinh, phúc lợi và cải thiện thu nhập hay môi trường làm việc đều không tách rời với hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp, tức phụ thuộc vào chính cách lãnh đạo, quản lý và sự góp công sức của mỗi cá nhân trong tổ chức đó.
Việc công nhận giá trị xã hội phải được đánh giá dựa trên năng suất lao động và khả năng cống hiến thực tế. Đó chính là cơ sở và bằng chứng thuyết phục để người chủ/người lãnh đạo ra những quyết sách đúng nhằm duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
NHQ
TAG: