Làm theo ý mình (!)

Thứ ba, 30/01/2018, 09:16 GMT+7

Do sự phát triển và hội nhập kinh tế nhanh chóng trong 10 năm trở lại đây khiến cuộc sống trở nên rộng mở và giao thoa nhiều vùng miền. Giờ thật khó để phân định rõ địa phương này là của kẻ Bắc, người Nam hay vùng đất chỉ có anh miền Tây, làng quê kia dành cho chị miền Trung mà đã trở thành một vùng thống nhất, chỗ nào “đất lành thì chim đậu”.

Có đi đâu, làm gì trên khắp mảnh đất hình chữ S này, mỗi chúng ta cũng đều cảm nhận được mọi người thân thiện, hài hòa, sinh hoạt cùng nhau, có chăng chỉ khác về giọng nói và thức ăn mỗi gia đình vẫn còn chút gì đó mang đâm phong vị Bắc hoặc Trung hoặc Nam tất nhiên vẫn có sự lai tạp để phù hợp hơn với khẩu vị của đa số dân địa phương.

Nói dài dòng như vậy để thấy rằng cư dân vì mưu sinh đã thiết lập thành quần thể ở các khu vực công nghiệp tập trung, nơi có nhiều nhà máy hoạt động và có thể tạo cho họ cơ hội tìm kiếm công ăn việc làm, ổn định đời sống. Ngược lại, tại các doanh nghiệp sản xuất khi tuyển dụng người lao động cũng không loại trừ sẽ có rất nhiều người ở khắp nơi đến đầu quân. Họ cùng sống, cùng sinh hoạt, cùng chia sẻ buồn vui trong một tập thể nhưng lại được ràng buộc bằng những quy định, nội quy, thông báo… cùng nhau thực hiện vì một mục tiêu chung.

Thế nhưng không ít người trong các nhóm tập thể đó vẫn tự cho mình “quyền” thể hiện cá nhân, vẫn có những hành vi sai phạm trước những quy định, nội quy, thông báo đã được truyền đạt chỉ vì muốn “làm theo ý mình”, làm theo bản năng và xem nhẹ tính kỷ luật mỗi khi cấp quản lý lơ là. Đó là một quan niệm cần phải được chỉnh đốn bởi không sớm thì muộn, hành vi đó sẽ bị phản ứng từ chính những đồng nghiệp và hơn nữa là không được sự chấp nhận từ phía tổ chức. Nhiều người khi bị bắt gặp hút thuốc không đúng chỗ, ngủ trong giờ làm việc, la cà đến những nơi không thuộc trách nhiệm công việc của mình.v.v. đều cố đưa ra những lý do biện minh cho hành vi ấy. 

Về tâm lý, hành vi vi phạm có thể do thói quen từ môi trường sống cũ nhưng cũng có thể bắt nguồn từ hiệu ứng đám đông – thấy người ta làm mình cũng bắt chước theo. Thế thì tại sao bản thân không tự nhìn lại mình để hoàn thiện, để làm gương mà cứ thích đi theo lối mòn trong suy nghĩ khác hẳn với những lúc thao thao bất tuyệt về thành tích này, công sức nọ trong các buổi gặp gỡ với cấp cao hơn. Có chăng đó là “sự khôn ngoan” trong ứng xử? Là sự “lõi đời” trong giao tiếp hay vì điều gì khác?

Cuộc đời có thể bất công nhưng bản chất con người luôn là thật cho dù nó được phủ bên ngoài bằng nhiều lớp áo khác nhau. Hãy sống tốt, biết ý thức và điều chỉnh hành vi, điều đó luôn đem lại kết quả mỹ mãn về tinh thần cho chính bạn! 

Tâm Can

TAG:

Ý kiến của bạn