Từ cuối năm 2019 đến nay, đã gần hết quý II năm 2020, cả thế giới chao đảo vì bệnh viêm hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona SARS-CoV-2 gây ra, với mức độ lây lan và thiệt hại ngày càng trầm trọng hơn. Nạn nhân chính của cơn đại dịch này chính là con người.
Phải công nhận rằng công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam rất bài bản, chặt chẽ và có hệ thống từ trên xuống. Các cơ quan chức năng và các phương tiện truyền thông liên tục cập nhật thông tin và tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không chỉ trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà còn đến từng người dân (qua số điện thoại cá nhân). Đáng tiếc, vẫn còn những người rất kém ý thức trong việc tuân chủ các quy định của Bộ Y Tế để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng xung quanh nơi mình sinh sống và làm việc. Trên thực tế, với mức độ lây nhiễm đáng sợ, con virus sát thủ này đã cướp đi sinh mạng và làm tổn thương sức khỏe biết bao nhiêu con người bất kể lứa tuổi, thành phần, giai tầng và vùng địa lý. Từ trẻ con đến người già, từ người vô gia cư cho đến những tỷ phú thế giới, từ người lao động phổ thông đến giới chức, chính khách…, ai cũng có thể trở thành nạn nhân nếu không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
Nhiều người rơi vào tâm trạng hoang mang, âu lo, thậm chí bị trầm cảm vì mất công ăn việc làm trong tình trạng tài chánh dự phòng cạn kiệt, không biết sẽ sống bằng nghề gì và sống ra sao trong bối cảnh cơn bão dịch bệnh đã càn quét xuyên biên giới các nước và len lỏi vào các hang cùng ngõ hẻm, làm tê liệt nhiều thứ…
Những ngày này, chúng ta liên tục nghe (đài), đọc (báo) và nhận tin nhắn qua điện thoại nhắc nhở những hành vi cần thực hiện nhằm phòng chống dịch bệnh. Chẳng hạn:
- Phải đeo khẩu trang khi ra chốn đông người và khi giao tiếp với người khác
- Phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc cồn khô
- Phải giữ vệ sinh cá nhân, nơi sinh sống và nơi làm việc sạch sẽ mỗi ngày
- Không ra đường nếu không thật sự cần thiết
- Thay đổi cách dạy và học, cách mua và bán từ truyền thống sang sử dụng công nghệ
- Tiếp tục đối diện với những thay đổi khác chưa lường trước…
Đó chắc chắn là những hành vi mang lại lợi ích cho bản thân chúng ta rồi, nhưng không hề dễ thực hiện khi chúng vốn không phải thói quen lâu nay của chúng ta. Tuy nhiên, để bảo vệ bản thân và gia đình, cũng là thể hiện sự tự trọng, chúng ta cần phải thay đổi thói quen sống, không chỉ trong cơn đại dịch này. Không khó để tạo thói quen sống tích cực, khi ý thức được những điều sau:
- Có trách nhiệm với bản thân. Chúng ta là những thức ăn mà chúng ta thu nạp vào cơ thể. Hãy sinh hoạt, ăn uống lành mạnh để nuôi dưỡng, bảo tồn thay vì tự đầu độc, phá hủy chính mình.
- Có trách nhiệm với người thân và đồng nghiệp. Ai cũng cần được tôn trọng, yêu thương, chia sẻ, lắng nghe và tương tác chân thành. Đừng bao giờ “nói dối, nói lớn, nói lố” chỉ nhằm thỏa mãn cơn cảm xúc tiêu cực hoặc bản ngã của riêng mình. Trong thế giới nhiều nhiễu động và bất ổn này, hãy thể hiện sự chân thành bằng hành động (chứ không bằng lời nói).
- Có trách nhiệm với môi trường sống. Đừng vì những sở thích, thú vui và tư lợi cá nhân hoặc lợi ích nhóm mà bất chấp mọi thứ. Hãy đánh thức lương tâm, đừng để đồng tiền làm mất đi lương tri bởi vì luật nhân quả luôn vận hành trong vũ trụ này.
- Có trách nhiệm với tổ chức mà mình ở trong đó bằng việc giữ gìn tài sản công, chăm sóc thường xuyên những công cụ dụng cụ, máy móc thiết bị; thực hành tiết kiệm trong sử dụng nguyên phụ liệu, nhiên liệu vì đó là nền tảng, là phương tiện lao động tạo ra của cải vật chất để chúng ta nuôi sống bản thân và gia đình. Chớ xem “của công là của chùa”, phung phí một cách vô tội vạ.
“Thái độ tạo nên tính khí và dần dần định hình tính cách của chúng ta. Và rồi đến lượt tính cách lại quyết định số phận của chúng ta” - Trích đoạn trong quyển sách Tốt như Vàng của tác giả Napoleaon Hill & Judith Williamson. |
- Có trách nhiệm với vai trò và trọng trách của mình. Nếu bạn làm không tốt, chưa tốt sẽ có người khác thay thế bạn. Một thái độ tự phụ, không tự thân vận động và giúp đỡ những người khác để cùng tốt hơn mỗi ngày là kẻ thù của sự tín nhiệm. Cơ hội đã đến với bạn thì cũng sẽ đến với những người khác, đặc biệt sớm hơn với những người chịu khó học tập và cố gắng phấn đấu hết mình.
- Có trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước. Không kiến tạo chắc chắn sẽ không được thụ hưởng. Nếu bạn vô trách nhiệm hay tàn phá môi trường (tự nhiên và xã hội) nơi mà mình sinh sống, hậu quả sẽ đến rất nhanh. Hãy tư duy theo hướng trung thành, phụng sự và di sản…
Vài dòng suy nghĩ KHÍCH LỆ cho bản thân mình và mang đến năng lượng tích cực cho mọi người. Hãy cố gắng hết sức trong mọi hoàn cảnh vì tương lai của CHÍNH BẢN THÂN & GIA ĐÌNH & QUỐC GIA của CHÚNG TA!
NHQ
TAG: