Bí quyết xử lý xung đột khi làm việc cùng nhau

Thứ sáu, 29/05/2020, 11:49 GMT+7

Khi nói đến sự xung đột trong quan hệ của mình, chúng ta thường cảm thấy dù thể hiện hay không thể hiện ra đều không phù hợp. 

Theo các chuyên gia, chúng ta nên nói/thể hiện ra cảm xúc của mình, dù đó là bực mình, thất vọng hay thậm chí nổi giận với người kia. Thậm chí, nên đưa “tiết mục” tranh luận vào danh mục những việc cần làm, tức xem nó là một đầu việc bình thường chứ không phải là một cái gì đó đáng sợ để rồi né tránh nó. Tuy nhiên cần hiểu, tranh luận không phải là để la hét hoặc la hét lẫn nhau, mà để nói ra - một cách thoải mái nhất - ý kiến, cảm nhận cá nhân của mình đồng thời ghi nhận ý kiến, cảm nhận của người kia. Nói cách khác, tranh luận là cách thừa nhận sự bất đồng để tìm cách giải quyết và tiếp tục đi.  

7-bi-quyet-xu-ly-xung-dot_1

Tranh luận là một kỹ năng cần rèn luyện. Không nhìn nhau khi bày tỏ sự bất bình của mình là một chiến thuật hữu ích. Bạn có thể làm việc này khi đang đi bộ cùng nhau chẳng hạn. 

Các chuyên gia và những người nhiều trải nghiệm trong cuộc sống chỉ ra rằng, không xung đột không phải là dấu hiệu của một mối quan hệ “khỏe mạnh”. Theo đó, trong tất cả các mối quan hệ, sẽ tốt hơn khi bạn rèn luyện kỹ năng thể hiện và giải quyết xung đột ngay từ đầu, thay vì “chờ” đến khi nó bùng nổ sau một thời gian dài để cho sự bất mãn tích tụ. 

Tuy nhiên thực tế là, cho dù bạn có thực hành bao nhiêu lần, thì việc bắt đầu một cuộc trò chuyện mang tính phản biện luôn luôn khó. Có một bí quyết được chia sẻ từ những người có kinh nghiệm là: Định kỳ tạo không gian và thời gian cho cuộc trò chuyện vì mục đích này.

Khi bạn “lên lịch” cho việc này đồng nghĩa bạn đã chuẩn bị sẵn tinh thần để tiếp nhận những điều không mong muốn. Việc thực hiện thời khóa biểu này cũng khiến chúng ta không còn lý do để né tránh xung đột, kiểu như “tôi không có thời gian để xử lý” nữa. Và điều đó cũng đảm bảo rằng các vấn đề của cá nhân hay tổ chức sẽ được xử lý, điều chỉnh kịp thời.

Một cách khác để bày tỏ và giải quyết xung đột, đó là bất cứ khi nào thấy “ấm ức”, bạn hãy gửi đến người kia một thông điệp rằng giữa chúng ta đang có một vấn đề cần dẹp bỏ. Một tin nhắn kiểu như “Bạn có 10 phút để nói chuyện này không?” có thể giúp bạn. 

Bạn cũng có một công cụ hiệu quả để đóng lại cuộc “trò chuyện xung đột”, tránh làm “vỡ” cảm xúc của cả hai. Đó là dành cho nhau câu hỏi “Bạn cảm thấy thế nào về mọi thứ?”. Khi thành thật với nhau trong câu trả lời này, cả bạn và đối phương đều biết mình phải làm gì để cải thiện.

Kim Hoa

TAG:

Ý kiến của bạn