Ăn, uống gì khi bị cúm ?

Thứ sáu, 29/05/2020, 11:43 GMT+7

Khi bạn bị cúm, chẳng có gì vui khi nghĩ đến chuyện ăn uống. Tuy nhiên, khi cơ thể không khoẻ hoặc mắc bệnh, hơn lúc nào hết, bạn cần nạp dưỡng chất. Vấn đề là ăn gì, uống gì để đảm bảo cải thiện tình trạng sức khoẻ?

7-an-uong-gi-khi-bi-cum

Khi bạn bị cúm, đây là những thực phẩm và đồ uống được các bác sĩ khuyên dùng:

Nước là thứ tốt nhất giúp bạn vượt qua bệnh cúm. “Khi có một bộ phận bị nhiễm trùng, tốc độ trao đổi chất cơ bản của cơ thể tăng lên, điều này có thể đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ chất lỏng và bạn cần tăng cường hydrat hóa bằng nước để giảm thiểu sự mất nước”, Tiến sĩ - bác sĩ Ian Nellectan thuộc Trung tâm sức khoẻ của Đại học Stanford cho biết. Nhưng bạn cần tránh các đồ uống như soda, đồ uống thể thao và nước trái cây, vì những thức uống này có hàm lượng đường cao. Một lượng lớn đường có thể gây ra tiêu chảy, và sẽ làm bạn bị mất nước nhiều hơn.  

“Một chút đường sẽ tốt khi bạn cảm thấy không khỏe, nhưng hàm lượng đường cao trong những đồ uống như soda, nước trái cây có thể gây tiêu chảy, vì vậy chúng tôi khuyên những người đang gặp phải triệu chứng tiêu chảy hoặc đau dạ dày do cúm không nên dùng”, Tiến sĩ - bác sĩ Jessica Cheng thuộc Đại học Y tế Davis nói. 

 Đối với các loại đồ uống ít đường như cà phê và trà, hãy lựa chọn loại không chứa caffeine. Caffeine có thể gây đau đầu và hốt hoảng, sẽ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn, nhất là khi bạn đang dùng các loại thuốc cảm lạnh và cúm. Rượu thì chắc chắn là nên tránh rồi, vì loại đồ uống này sẽ “lấy” nước trong cơ thể.  

Cúm thường đi kèm với một loạt các triệu chứng khó chịu, như đau cơ, chảy nước mũi, nôn mửa, thậm chí tiêu chảy. Những triệu chứng này không chỉ làm bạn mất nước mà còn làm cạn kiệt các chất dinh dưỡng và calo quan trọng - vốn là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể để chống lại nhiễm trùng. Đó là lý do tại sao ngoài uống, bạn cần ăn để bổ sung những gì bạn đã mất.  

Tiến sĩ - bác sĩ Charles Peters, thuộc Hệ thống Y tế Mayo Clinic, khuyến nghị những thực phẩm này: Nước dùng súp gà, sữa chua, trái cây giàu vitamin C, rau lá xanh, bông cải xanh, cháo bột yến mạch. 

Nước dùng súp gà có chứa một lượng natri đáng kể, đây là một loại chất điện giải có thể giúp cơ thể bạn giữ nước. Tuy nhiên hãy cẩn thận nếu bạn đang trong quá trình của một chế độ ăn ít natri. 

 Sữa chua có nhiều protein, canxi, kẽm, vitamin B và vitamin D, có thể giúp giảm sự cố đường ruột. Nó cũng chứa một số chế phẩm sinh học giúp thúc đẩy tiêu hóa, cải thiện tình trạng buồn nôn hoặc nôn ở người đang bị cúm.  

Rau xanh, bông cải xanh và trái cây - như cam, dâu tây, dứa, kiwi và xoài - là nguồn vitamin C phong phú. Các nghiên cứu chuyên ngành đã chỉ ra rằng vitamin C có thể làm giảm thời gian mắc bệnh của bạn. Vitamin C cũng đặc biệt hiệu quả trong việc giúp chống lại cảm lạnh thông thường.  

Chất xơ trong bột yến mạch có thể làm giảm bớt các vấn đề về dạ dày và đường ruột.  

“Khi bạn bị sốt, cơ thể bạn đang sử dụng nhiều năng lượng hơn, vì vậy điều quan trọng là phải giữ nước tốt và thường xuyên bổ sung chất điện giải. Duy trì đủ nước là ưu tiên số một”, Cheng nói.

K.H

TAG:

Ý kiến của bạn