Sự tương đồng giữa việc nhặt rác và làm quản lý

Thứ tư, 23/05/2018, 08:50 GMT+7

Tôi thật sự lấy làm vui khi thấy dịch vụ bay của hãng Hàng Không Quốc Gia Việt Nam có những bước cải tiến rõ rệt trong những năm gần đây. Một chặng đường bay thẳng từ thành phố Hồ Chí Minh đến Melbourne mất 8 tiếng đồng hồ. Những chú chim sắt Airbus/Boeing mới toanh, nội thất hiện đại hơn, chỗ ngồi thoải mái hơn đã được đưa vào khai thác. Tôi hoàn toàn hài lòng với hệ thống cảnh báo bằng đèn led và âm thanh phát ra thật nhẹ nhàng mỗi khi bay vào vùng thời tiết xấu (trước đây đèn tín hiệu có ánh sáng vàng tạo cảm giác bất an cho hành khách, và mỗi khi máy bay bay vào vùng thời tiết xấu thì đèn tín hiệu chớp nháy liên tục, làm cho hành khách có cảm giác bất an vô cùng). Suốt chặng bay, hành khách được phục vụ hai bữa ăn ngon, xem những bộ phim hay và được đội ngũ tiếp viên phục vụ chuyên nghiệp và chu đáo hơn, chắc có lẽ do công tác đào tạo và huấn luyện đã được chú trọng và trang bị tốt hơn cả về nhận thức cũng như kỹ năng thực hành giao tiếp. 

Sau khi máy bay đã ổn định độ cao, đèn tín hiệu cài dây an toàn đã tắt, hành khách chúng tôi được phục vụ bữa ăn trưa đủ các món khai vị, món chính và tráng miệng. Các loại thức uống như rượu vang, trà, cà phê, nước ép trái cây, nước ngọt được phục vụ theo yêu cầu. Sau khi dùng bữa, tôi tranh thủ viết email cho con trai. Bỗng nghe tiếng nhỏ nhẹ: “Cô chú cho xin rác ạ!”. Tôi quay người sang, thấy cậu tiếp viên trẻ niềm nở di chuyển chậm rãi để quan sát và nhặt những bao nylon, túi giấy rơi vãi xung quanh chỗ ngồi của hành khách cũng như trên lối đi. Việc này được lặp lại hai lần trong cả hành trình bay. 

Nhặt rác là việc tưởng nhỏ và dễ, nhưng giá trị và ý nghĩa của nó không hề bình thường. Nếu ai cũng chỉ biết xả rác bừa bãi vì nghĩ rằng đã có những người được trả lương để dọn dẹp và thu gom rác, thì thật không hình dung được môi trường sống sẽ ô nhiễm đến cỡ nào. Không ai khác, chính chúng ta là người trực tiếp hít thở trong bầu không khi đó và tác hại cũng thật khó lường. Những đứa trẻ Nhật Bản đã được dạy và thực hành phân loại rác ngay từ khi học tiểu học. Những hộp giấy đựng thức ăn, chai nhựa PET đựng nước ngọt đã được rửa sạch bằng nước máy trước khi được cho vào thùng rác có ngăn phân loại chất thải. Dân tộc Nhật đã được cả thế giới ngưỡng mộ, tôn sùng vì tính kỷ luật đã được gieo mầm ngay trên mảnh vườn tâm hồn lúc thuở còn thơ, và nó đã hình thành thói quen tốt và ứng xử rất tự nhiên của người Nhật Bản nối tiếp qua bao thế hệ...

Cử chỉ thu gom rác nên được xem là biểu hiện của sự khiêm nhường (quý trọng sức lao động của người khác) và sự tự trọng (biết giá trị đóng góp của bản thân trong việc bảo vệ môi trường sống chung mà bản thân là một người thụ hưởng). Khiêm nhường và tự trọng cũng chính là tố chất cần có ở người làm quản lý. Người dẫn đầu (leader) cần biết quý trọng sự đóng góp của đồng nghiệp, đồng thời làm gương để gây ảnh hưởng tốt cho nhiều người, có như vậy mới xây dựng được đội ngũ vững mạnh cũng như tạo ra một môi trường sống và làm việc trong sạch.

NHQ

TAG:

Ý kiến của bạn