Nghe nhiều đến tính tiết kiệm của người Nhật, nhưng không phải ai cũng hiểu người Nhật tiết kiệm không vì thiếu thốn mà vì họ trân trọng và muốn sử dụng hiệu quả những thứ đang có.
Tôi từng nghe qua câu chuyện thế này ở một công trường xây dựng do người Nhật làm tổng thầu và giám sát. Đó là vào cuối giờ làm khi những công nhân người Việt tất bật dọn dẹp mọi thứ linh tinh nằm ngổn ngang trên đất để chuẩn bị ra về thìu nhiều công nhân do vội vàng đã gom luôn một số ốc vít còn mới vào đống sắt phế phẩm để ở góc tường với vẻ mặt thờ ơ. Không may, ông đốc công người Nhật đi ngang qua nhìn thấy và kêu người phiên dịch gọi nhóm công nhân ấy đến hỏi: “Các anh có nhìn thấy những con ốc vít kia không?”. Tất cả họ thản nhiên trả lời: “Chúng tôi có thấy nhưng cả một công trình lớn như vậy, chỉ vài con ốc ấy lỡ có mất đi thì cũng chẳng bõ bèn gì?”. Người phiên dịch ngại ngùng dịch lại cho vị đốc công nghe và chợt thấy sắc diện ông ta thay đổi kèm theo cái hất tay ra vẻ không bằng lòng: “Đúng là số tiền của một vài con ốc nhỏ xíu ấy không thể so sánh giá trị với cả một công trình nhưng các anh thử nghĩ xem, một ngày cứ mất đi vài con ốc từ cái suy nghĩ thiển cận ấy thì sau khi hoàn tất công trình sẽ mất đi bao nhiêu? Và cái đáng nói nhất là các anh đã đánh mất đi lòng tự trọng trước công sức của cả tập thể”. Sau khi nghe dịch lại, nhóm công nhân chợt nhận ra sai lầm và xin lỗi vị đốc công trước khi nhặt lại các con ốc vít để vào thùng chứa vật tư cạnh đó. Người đốc công thở dài nhìn anh phiên dịch đang đỏ mặt đứng cạnh: “Ở nước Nhật chúng tôi, một con ốc dù nhỏ cũng là sản phẩm từ công sức lao động của nhiều người và đều tính bằng tiền. Với suy nghĩ không biết tiết kiệm như vậy, tôi cũng có thể đoán được tại sao đất nước các anh lại không thể phát triển nhanh chóng được”.
Câu chuyện trên là bài học hay nhất về ý thức tiết kiệm của người dân một đất nước nghèo nàn về tài nguyên, khoáng sản thì ít, lại bị tàn phá sau chiến tranh… nhưng đã biết vươn lên mạnh mẽ để trở thành một cường quốc có nền kinh tế tầm cỡ khiến cả thế giới phải nể phục. Cái ý thức ấy phát xuất từ nhận thức giáo dục con người qua nhiều thế hệ và được bồi đắp từ khi còn tấm bé mà theo thời gian đã trở thành cách sống tiết kiệm của từng người dân Nhật Bản.
Trong tiêu dùng hàng ngày của người Nhật, từ ăn mặc, công việc đến việc vui chơi giải trí đều mang màu sắc “tiết kiệm triệt để”. Được biết khi ăn tại các nhà hàng hoặc khi ăn liên hoan, người Nhật sẵn sàng gói mang về những đồ ăn thừa còn sót lại một cách bình thường chứ không bao giờ chịu vứt đi một cách phung phí khi chúng còn sử dụng được. Không chỉ tiết kiệm trong tiêu dùng, đặc tính tiết kiệm của người Nhật còn được thể hiện trong sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do họ sản xuất và cung ứng ra thị trường. Vì nghèo tài nguyên thiên nhiên nên những hàng hóa của người Nhật đều được sản xuất với công nghệ tiên tiến nhất để có thể tận dụng cả rác thải, thứ thường bị coi là đồ bỏ đi ở các nước khác. Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên trên thế giới tái chế tất cả các loại rác thải để tạo ra các sản phẩm mới phục vụ con người. Hiện nay, một loạt các chế phẩm từ plastic, vải vóc, nguyên vật liệu xây dựng, nhiên liệu… đang rất quen thuộc với người tiêu dùng có thể đều là những đồ được tái chế qua công nghệ Nhật Bản. Mới đây người Nhật còn đưa ra một công nghệ có thể biến một tờ báo cũ thành một loại chất đốt hiệu suất cao dùng để nấu ăn và sưởi ấm. Theo nghiên cứu mới nhất là sáng chế loại bể phốt liên hoàn có thể tận dụng ngay chất thải sinh hoạt trong gia đình để tạo ra khí biogas phục vụ nấu ăn, sưởi ấm và làm phân vi sinh dùng cho trồng trọt.
Đối với người Nhật, thời gian còn quý hơn cả vàng bạc, nên con người buộc phải tiết kiệm tối đa đối với thời gian. Để tiết kiệm thời gian di chuyển, người Nhật đã nghĩ ra một loạt phương tiện, trong đó nổi tiếng toàn thế giới là tàu cao tốc Shinkansen. Hiện nay, tốc độ tối đa của loại tàu này đã lên tới trên 550km/h. Ngoài ra người Nhật tiết kiệm thời gian trong công việc bằng châm ngôn “chơi ra chơi mà làm ra làm”. Khi chơi họ có thể rất vui vẻ thoải mái nhưng khi làm việc thì họ cực kỳ kỷ luật và nghiêm túc, tập trung vào việc đang làm. Vì thế trong cùng một thời gian, hiệu suất làm việc của người Nhật thường cao hơn hẳn người dân các nước khác.
Còn chúng ta phải nghĩ gì và làm gì để không mang tiếng là con dân của một đất nước có “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu” đây?
Gia Tài
TAG: