Xã hội chúng ta quả thật đã phát triển nhanh chóng trong thập niên gần đây, khi mà công nghệ thông tin và những phát minh mang tính ứng dụng liên quan đến đời sống đã len lỏi vào từng ngõ ngách gia đình, phục vụ con người một cách tận tình và chu đáo. Nào là những thành quả về y sinh vượt trội trong cấy ghép mô tạng, ung thư, nào là những thiết bị robot thay thế dần những công việc tay chân nặng nhọc với hiệu suất cao mà không bao giờ biết mỏi mệt, nào là những phần mềm triển khai và chuẩn hóa cho công tác quản lý được nhiều doanh nghiệp tiếp nhận và sử dụng, nào là hệ thống mắt thần dùng quan trắc, nhận diện nhân dạng dần được xã hội hóa thông qua các phương tiện giao tiếp tương tác thông minh như smart phone, camera IP… bằng mạng internet qua các cổng bluetooth, qua wifi với giá thành giảm hàng chục hàng trăm lần so với ban đầu nhưng chất lượng luôn cải thiện tốt hơn cho người dùng.v.v. Đó được xem là một trong các điều kiện tiên quyết của cách nhìn về sự thay đổi - thay đổi để thích nghi, thay đổi để tồn tại và thay đổi để không phải hối tiếc.
Thực tế cho thấy vạn vật và hoàn cảnh chỉ có thể thay đổi bởi cách nhìn của người nhìn. Một triết gia từng nói: “Khi ta chuyển động, thế giới sẽ chuyển động theo”, điều đó có hoàn toàn đúng không khi trong các mối quan hệ, tự điều chỉnh bản thân thì có tác dụng còn cố gắng thay đổi người khác sẽ không có kết quả? Khi thay đổi lối suy nghĩ thì cuộc đời ta sẽ thay đổi theo chiều hướng đó.
Trong cuốn sách “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”, xin lược trích một đoạn như sau:
“Bạn đã bao giờ bị ốm nhiều tuần và rồi bình phục, đi ra ngoài, bạn thích thú nhìn bầu trời, cây cỏ, chim muông. Hoặc bạn gặp lại bạn cũ sau 5 năm xa cách, bạn thấy rất vui. Cuộc sống bỗng phong phú hơn không phải vì thế giới đã thay đổi mà do chúng ta thay đổi. Niềm vui có được từ cái nhìn lạc quan.
Không phải có thêm điều gì bạn mới có hạnh phúc mà là nên bớt đi điều gì đó, nhất là những tư tưởng có hại cho bạn. Nếu bạn trải qua cuộc đời bằng cách góp nhặt thiếu sót của người khác thì bạn không thể có được sự bình an trong tâm hồn. Ngược lại, khi bạn chấp nhận mọi người, cả khuyết tật và điểm xấu của họ, bạn sẽ có cảm giác hoàn toàn mới về thế giới và vị trí của bạn.
Bạn có thể ưu tiên dành thời gian cho ai nhiều hơn nhưng không chê bai người khác, bạn có thể chú trọng hơn đến hoàn cảnh của mình nhưng đừng phê bình ai cả. Bạn hiểu mục đích tối hậu của bạn là sự bình an trong tâm hồn. Vì thế bạn hãy quyết định nhìn sự việc khác đi.
Hãy nhìn thấy cái hay ở xung quanh bạn và bạn sẽ tìm thấy nhiều cái hay hơn ở chính mình. Bạn nhìn mọi người không đúng bản chất của họ mà qua bản chất của bạn. Kinh nghiệm của bạn về thế giới thật ra là kinh nghiệm của chính bản thân bạn. Nếu bạn không thích cái mình nhìn thấy thì có đập vỡ gương cũng không thay đổi được gì”.
Sẽ ý nghĩa hơn khi chúng ta cảm nhận được sự đóng góp tích cực của bản thân cho cuộc sống này một cách hữu ích, không nhiều nhưng vẫn có thì đó là giá trị nhân văn mà mỗi người chúng ta nên chiêm nghiệm và thực hiện. Đơn giản chỉ là khi ra đường phải tuân thủ luật đi đường, không phóng xe, lạng lách, vượt đèn đỏ… hoặc sẵn lòng giúp đỡ người nghèo khó, hoạn nạn với tâm thế thiện nguyện vô tư. Trong công ty, xí nghiệp thì tuân thủ nội quy, giữ gìn vệ sinh nơi làm việc, làm tròn vai trò được phân công với tinh thần và trách nhiệm cao nhất để cùng nhau cho ra những kết quả phục vụ đời sống. Đừng sa đà vào những trò lừa đảo, tệ nạn, tránh xung đột với anh chị em đồng nghiệp mà nên giữ hòa khí chung…
Tóm lại, khi bạn gặp ai đó, hãy nhớ rằng đó là một cuộc gặp có ý nghĩa. Khi quan sát người đó, bạn sẽ thấy chính mình. Khi bạn đối xử với người nào đó tức là bạn đang đối xử với chính mình.
Vũ trụ màu nhiệm hơn chúng ta tưởng. Nó được thiết kế sắc sảo đến nỗi chúng ta sẽ học được những bài học chúng ta cần trong cuộc sống từ người khác vào bất kỳ lúc nào có thể. Vì ở một góc độ nào đó, tất cả mọi người đều được liên kết với nhau. Đây là sự giải thích cho lý do vì sao khi chúng ta thay đổi thì tất cả những người khác cũng thay đổi theo.
Đúng vậy, chúng ta không bao giờ cô đơn!
Tâm Can
TAG: