Yếu tố tạo động lực

Thứ ba, 30/01/2018, 10:46 GMT+7

vai trò và vị trí một người lãnh đạo hay chủ doanh nghiệp, chúng ta cần biết những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến động lực làm việc của một người. Để xác định được những yếu tố đó, trước tiên cần hiểu động lực là gì.

Theo tài liệu của trường Doanh nhân PACE, “Động lực là sự khao khát và tự nguyện của con người để nâng cao mọi nỗ lực của mình nhằm đạt được mục tiêu hay kết quả cụ thể nào đó”.

Các yếu tố tạo động lực thường xoay quanh những vấn đề liên quan đến đời sống (vật chất và tinh thần) của con người. Việc thực hiện các cuộc khảo sát - bằng những câu hỏi có nội dung phù hợp với loại hình và quy mô của doanh nghiệp - sẽ giúp người lãnh đạo hoặc chủ doanh nghiệp nắm bắt được phần nào tâm tư nguyện vọng của người lao động (theo nguyên tắc 20/80 để chọn ra những đáp án được nhiều người đồng tình nhất), lấy đó làm cơ sở cho công tác hoạch định chiến lược quản trị nguồn nhân lực theo từng thời kỳ phát triển của doanh nghiệp.

Kết quả đợt khảo sát trung tuần tháng 4/2017 đã giúp tôi biết được phần nào những kỳ vọng chính đáng của đội ngũ quản lý của mình. Có thể thấy, có 7 yếu tố chính tạo động lực thúc đẩy con người làm việc tốt hơn và hiệu quả hơn:
1. Môi trường và điều kiện làm việc.

2. Chính sách và chế độ đãi ngộ.

3. Cơ hội học tập và thăng tiến.

4. Văn hóa doanh nghiệp (quan hệ giữa cấp trên và thuộc cấp, và giữa đồng nghiệp với nhau).

5. Quyền tự chủ trong công việc.

6. Uy tín và thương hiệu của sản phẩm.

7. Tầm nhìn, sứ mệnh và chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp muốn phát triển ổn định và bền vững cần biết quan tâm đến nguyện vọng của người lao động trong 7 lĩnh vực trên. Bởi khi được thoả mãn về mặt tinh thần, người lao động sẽ hăng say làm việc, từ đó sẽ có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng như quy trình và hệ thống, thực hành tiết kiệm trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động và hiệu suất làm việc của máy móc thiết bị v.v...

Tuy nhiên, để những yếu tố tạo động lực từ phía công ty (từ bên ngoài) thực sự phát huy tác dụng, không thể thiếu một yếu tố rất quan trọng - động lực từ bên trong người lao động. Ông bà xưa có câu “sông có khúc, người có lúc” nghĩa là không ai có thể chắc chắn rằng con đường sự nghiệp của mình chỉ toàn thuận lợi. Mọi sự thay đổi về cơ cấu, quy mô hay hình thức hoạt động của doanh nghiệp đều có tác động trực tiếp đến vai trò, vị trí, công việc, và quan trọng hơn - có thể làm thay đổi đáng kể đến thu nhập của người lao động. Nếu không có niềm yêu thích với công việc, người ta sẽ rất dễ bị “lung lay” trước thực tế khách quan ấy.

Niềm yêu thích công việc chính là động lực lớn nhất để mỗi người duy trì và phát triển công việc của mình. Một người khi đã có niềm yêu thích với công việc mình làm thì những thay đổi khách quan, những khó khăn, thách thức không những không thể tác động tiêu cực đến họ mà còn giúp họ trở nên cứng cáp hơn, mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn trên con đường đi đến những mục tiêu của cuộc đời mình. Doanh nghiệp nào cũng cần những con người như vậy - những con người có động lực từ bên trong.

NHQ

TAG:

Ý kiến của bạn