Xã hội ngày càng phát triển kéo theo mối quan hệ của con người càng không đơn giản. Một trong những lý do dẫn đến sự phức tạp ấy chính từ lòng ganh tỵ mà ra. Từ điển tiếng Việt diễn giải “Ganh tỵ (đố kỵ) là một trạng thái cảm xúc tâm lý của con người phản ánh những suy nghĩ mang tính tiêu cực được biểu hiện bằng cảm giác bất an, sợ hãi, bực tức, ích kỷ, cảm thấy mình thua kém và lo lắng về một sự mất mát”. Lòng ganh tỵ hầu như được thể hiện qua mọi mặt của đời sống con người, dễ thấy nhất là khi nhận ra ai đó giàu có, thành đạt hơn mình. Thông thường con người sẽ không thể hiện sự ganh ghét của mình ra ngoài mà “chôn dấu” trong lòng.
Một người có lòng hay ganh tỵ thì biểu hiện dễ thấy nhất là họ luôn khó chịu khi thấy ai đó hơn mình. Khi nghe ai đó có tin vui thì thay vì chúc mừng, họ lại cảm thấy không thoải mái, ganh ghét và có khi bực bội, tức giận. Tiến sĩ tâm lý Erik Fisher cho biết: “Tất cả cảm xúc, kể cả ghen tuông cũng đều cố gắng bày tỏ cho chúng ta điều gì đó về bản thân mình. Riêng với sự ghen tỵ, dấu hiệu được giải mã là cảm giác sợ mất quyền lực”.
Điều này đúng với hầu hết với tâm lý bình thường của con người trong xã hội ngày nay. Ví như khi nghe bạn bè hay đồng nghiệp có vị trí công việc mới với mức lương cao hay được thăng tiến thì trong lòng họ sẽ có suy nghĩ mong muốn điều tồi tệ đến với người đó cho thỏa cơn ganh ghét vì sao ta không bằng họ và cứ sợ họ hơn ta. Thậm chí người ganh tỵ thường cảm thấy hả hê và vui sướng khi người khác sa cơ, vấp ngã.
Đặc điểm của người có lòng ganh tỵ với người khác là luôn soi mói chuyện của người khác. Họ cũng thường hay nhòm ngó sự thành đạt, hạnh phúc, nhan sắc của người khác rồi sinh ra lòng tức tối, đắm chìm trong những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực như buồn bực, lo lắng, căm ghét và cảm giác tự ti. Hơn thế nữa, họ luôn chú tâm vào những khuyết điểm hay lỗi lầm của người khác để phán xét nhằm làm giảm giá trị của người đó trước mọi người.
Nghiên cứu của tạp chí Science đã chỉ ra rằng: “Sự ganh tỵ thực sự kích hoạt một vùng của não có liên quan đến những đau đớn về thể xác, chả trách sao người ta cứ tìm mọi cách để lờ đi hay phủ nhận cảm giác này. Nhưng mà, cảm giác ganh tỵ cũng gần như là không thể tránh khỏi, bởi vì sự ganh tỵ là một hậu quả vô hình của môt việc chúng ta thường làm, đó là sự so sánh”.
Có thể nói, một người có lòng ganh tỵ sẽ không bao giờ ngừng so sánh bản thân với người khác như một việc làm vô thức. Họ luôn không hài lòng với bản thân mình và hay so sánh với người khác dù trong bất kỳ tình huống, hoàn cảnh nào.
Vì bị sự ganh tỵ che mắt, họ muốn thấy bản thân tốt đẹp hơn người khác và cũng vì thiếu lòng cảm thông nên trong nhiều trường hợp họ sẽ đem tật xấu của người khác ra chỉ trích, lăng mạ, hay làm trò cười để thỏa mãn bản thân. Đối với một số người lòng ganh tỵ làm cho họ mờ lý trí, không biết phân biệt đúng sai và đâu là điểm dừng. Để có thể chứng minh mình hơn người hay muốn người khác phải chịu mang tiếng xấu, họ sẽ không tiếc lời thêu dệt những điều trái sự thật và bêu rếu khắp nơi để làm giảm giá trị và danh dự người khác. Thậm chí họ còn có những hành vi trái pháp luật như hăm dọa, hành hung những người mà họ đem lòng ganh ghét mà không cần biết rõ nguyên nhân xuất phát từ đâu.
Đã là một người có lòng ganh tỵ thì việc công nhận thành quả của người khác quả là điều khó khăn đối với họ. Cũng có thể nói họ thấy rằng việc chấp nhận thành công, thành tích của người khác đồng nghĩa với việc tự chấp nhận mình thất bại. Vì vậy khi đối mặt với sự thành đạt hay hạnh phúc của người khác, họ sẽ có thái độ khinh thường, nói những điều mất vui hay làm cho người khác cảm thấy tổn thương. Nói tóm lại, người có lòng ganh tỵ sẽ không chấp nhận bất cứ điều tốt đẹp nào của người khác nếu như họ không có được.
Những người có lòng ganh tỵ sẽ không thích tiếp cận hay quá thân thiết với những người tài giỏi hơn mình. Trong một số trường hợp, khi phát hiện đồng nghiệp, bạn bè hay người thân của mình có tài năng hay năng lực hơn mình, người có lòng ganh tỵ sẽ tìm cách xa lánh hoặc nói xấu người đó vì trong tâm hồn và suy nghĩ “khuyết tật” của họ đã bị sự đố kỵ lấp đầy, họ luôn cảm thấy ganh ghét và bực bội với người giỏi hơn.
Nhà văn Pháp De Balzac cũng đã từng nói:“Người có tính ganh tỵ khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong anh ta sẽ nhân lên bấy nhiêu lần”.
Mỗi người trong chúng ta, dường như ai cũng có một chút tính xấu là hơn thua với người khác. Tuy nhiên, thay vì buồn bực trước thành công của họ, ta nên lấy đó làm động lực để cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Có như vậy, tâm ta mới cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái và nhận được nhiều sự yêu mến của mọi người.
An Nhiên
TAG: