Theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH của Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2017 thay thế cho Quyết định số 959/QĐ-BHXH hướng dẫn về mức đóng BHXH bắt buộc theo Nghị Định 44/2017/NĐ-CP áp dụng từ ngày 01/6/2017, như sau:
- Tỷ lệ trích nộp vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (quỹ BHXH) của doanh nghiệp từ 18% sẽ còn 17,5% và người lao động (NLĐ) đóng 8% hàng tháng trên mức lương căn bản.
- Tổng các khoản BHXH, BHYT, BHTN doanh nghiệp đóng 21,5% và NLĐ đóng 10,5% hàng tháng trên mức lương căn bản.
Điều cần chú ý ở đây là mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc:
- Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2017 gồm tiền lương + phụ cấp lương (quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH).
- Từ ngày 01/01/2018 trở về sau gồm tiền lương + phụ cấp lương (quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 4) + các khoản bổ sung khác (quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH).
Các khoản phụ cấp lương được hiểu là để bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, mức độ thu hút lao động như: phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp nặng nhọc độc hại, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp có tính chất tương tự khác.
Tiền lương tháng đóng BHXH không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như tiền thưởng căn cứ vào kết quả kinh doanh cuối năm và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ (theo Điều 103 bộ Luật lao động 2012), tiền ăn giữa ca, tiền xăng xe, điện thoại, hỗ trợ NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Mức lương cao nhất tham gia BHXH, BHYT không quá 20 lần mức lương tối thiểu chung là 1.300.000 đồng (từ 01/7/2017 theo Nghị Quyết 27/2016/QH14về dự toán ngân sách Nhà nước). Với BHTN không quá 20 lần mức lương tối thiểu vùng.
Quốc Hải
TAG: