Ngược với năng lực hành vi, năng lực chuyên môn là những kiến thức, hiểu biết, kỹ năng… thuộc lĩnh vực chuyên môn mang tính đặc thù cho vị trí công việc hoặc bộ phận mà cá nhân cần có để có thể đảm nhận công việc đó cũng như khả năng hợp tác làm việc với người khác một cách hiệu quả. Do vậy việc xây dựng năng lực chuyên môn cho từng phòng ban là một trong những yêu cầu trong việc triển khai đánh giá năng lực chung để lãnh đạo qua đó có cái nhìn tổng thể về từng vị trí công việc qua năng lực chuyên môn phòng ban mà trong thực tế đã và đang đáp ứng thế nào với yêu cầu của tổ chức.
Nguyên tắc xây dựng năng lực chuyên môn cần được viết từ những người có kinh nghiệm và trải qua quá trình công tác tại phòng ban đó bởi có như vậy thì nội dung năng lực chuyên môn sẽ bám sát hơn với thực tiễn và có tính khách quan, rõ ràng, được gọi là nhóm SME (Specialism Mastering Expert) từ 1 đến 3 người. Tất nhiên sự thành công trong việc thiết kế năng lực chuyên môn phát xuất từ nhóm SME do hiểu biết rõ năng lực chuyên môn của từng vị trí công việc phòng ban.
Bước 1: Liệt kê hết toàn bộ những năng lực chuyên môn do phòng ban đảm trách. Đây là bước khởi đầu nhưng sẽ vô cùng khó khăn khi phải xác định đúng năng lực chuyên môn cần có.
Bước 2: Thu gọn lại đối với những năng lực chuyên môn nào có trùng ý hoặc nội dung tương tự.
Bước 3: Đặt tên cho năng lực chuyên môn (chuẩn hóa theo chữ và số với mục đích thuận tiện khi mã hóa lúc đưa vào link chung với hệ thống quản lý doanh nghiệp). Quy định tên năng lực - phòng ban – số năng lực chuyên môn. Ví dụ: CM-BH01…( năng lực chuyên môn số 01 phòng Tiếp thị & bán hàng).
Bước 4: Thiết lập 5 cấp độ (level) của từng năng lực chuyên môn với yêu cầu từ cấp độ 1 (thấp) là hành vi tối thiểu để có được năng lực đó và cấp độ 5 là hành vi cao nhất được kỳ vọng của năng lực. Sau đó mới chọn cấp độ 3 là hành vi rành việc của năng lực (trung bình cộng của cấp độ 1 & 5). Rồi tới xếp loại cấp độ 2 và cấp độ 4 để cho ra kết quả cuối cùng.
Bước 5: Định nghĩa các năng lực chuyên môn cũng như các cấp độ phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ hiểu để mọi người làm cơ sở tham khảo, truy xuất khi cần.
Tuy nhiên để thực hiện tốt việc xây dựng năng lực chuyên môn, ngay từ đầu các SME nên xác định “loại năng lực chuyên môn” về bản chất thuộc về loại nào: năng lực chuyên môn về kiến thức kỹ năng (không phải trình độ học vấn), năng lực chuyên môn liên quan tới quy trình, năng lực chuyên môn liên quan tới ứng dụng và năng lực chuyên môn liên quan tới truyền đạt / giao tiếp / công nghệ thông tin / tính toán với mục đích làm cơ sở xếp loại năng lực chuyên môn phù hợp và định nghĩa chính xác.
Khi nhận thức đúng vai trò của năng lực chuyên môn trong việc định lượng giá trị đối với tổ chức thì cấp quản lý phòng ban cần phải cố gắng phát triển liên tục về mặt chuyên môn cho cấp dưới bằng những kỹ năng về giao tiếp, kỹ năng cộng tác, phát triển nhận thức, ứng dụng hiểu biết về công nghệ và các lĩnh vực liên quan khác... nhằm xây dựng và duy trì khả năng thực hành nghề nghiệp vững vàng.
Gia Tài
TAG: