"Một người đàn ông nọ đang chuẩn bị bước ra garage để ngắm chiếc xe hơi mới cáu cạnh của mình. Ông sửng sốt khi nhìn thấy đứa con trai 3 tuổi của mình đang cầm cây gỗ đập mạnh lên thành xe tạo thành những chỗ lõm một cách thích thú.
Ông vội vàng chạy đến, đẩy đứa bé văng ra. Rồi trong lúc mất bình tĩnh đã dùng chính khúc cây ấy đập nát những ngón tay của đứa bé để trừng phạt nó. Khi người cha nguôi cơn giận, ông vội vàng đưa con trai của mình tới bệnh viện. Và mặc dầu bác sĩ đã hết sức cố gắng để chữa trị những cái xương đã dập nát, cuối cùng họ buộc phải cắt đi những ngón tay nhỏ bé đáng thương đó khỏi bàn tay đang hoại tử để cứu tính mạng của cậu bé.
Khi đứa bé tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, nhìn thấy những vết thương trên mình, nó ngây thơ nói:
- Ba ơi, cho con xin lỗi vì chiếc xe. Đoạn nó hỏi - nhưng chừng nào thì những ngón tay của con sẽ mọc lại?
Người cha trở về nhà và sống phần đời còn lại trong ân hận...”.
Một câu chuyện lượm lặt trên internet khiến ta phải suy nghĩ. Mỗi khi nhìn thấy ai đó lỡ làm đổ ly sữa trên bàn ăn hay nghe tiếng em bé khóc làm bạn bực mình, hãy nghĩ đến hậu quả trước khi bạn đánh mất sự bình tĩnh với những người thân thương. Xe hư có thể sửa lại nhưng những lóng xương bị gãy và nhất là những cảm xúc bị tổn thương thì không bao giờ có thể hàn gắn lại được.
Trong công việc, chúng ta - nhà quản lý thường ít khi nhận ra sự khác biệt giữa thái độ một con người và thành tích của người đó. Mọi người tại vị trí công việc nào cũng đều có thể phạm sai lầm. Ở khía cạnh nào đó chúng ta “được phép” phạm sai lầm nhưng những thái độ, lời ăn tiếng nói mà chúng ta thực hiện với người khác trong cơn nóng giận sẽ ám ảnh chúng ta suốt đời.
Hãy tiết chế cơn nóng giận và biết cân nhắc. Hãy suy nghĩ trước mỗi hành động. Hãy kiên nhẫn, biết thông cảm và yêu thương những gì mình đang có. Nói bao giờ cũng dễ hơn làm phải không nhưng nếu làm được, bạn sẽ thấy bạn đã làm một “con người” đúng nghĩa rồi đó.
Lệ My
TAG: