Chuyện hôm qua ...

Thứ ba, 30/01/2018, 14:24 GMT+7

"Một cậu bé có tính xấu là rất hay nổi nóng. Một hôm cha cậu bé đưa cho cậu một túi đinh và nói với cậu bé rằng mỗi khi cậu nổi nóng thì hãy chạy ra đằng sau nhà và đóng một cái đinh lên hàng rào gỗ. 

Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng 34 cái đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần cậu bé đã tập kiềm chế cơn giận của mình và số lượng đinh cậu đóng lên hàng rào mỗi ngày một ít đi. Cậu nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình thì dễ hơn là phải đóng những cây đinh lên hàng rào. 

Một ngày kia, cậu đã không nổi giận một lần nào trong suốt cả ngày. Cậu nói với cha và ông bảo cậu hãy nhổ một cái đinh ra khỏi hàng rào mỗi một ngày khi mà cậu không hề nổi giận với ai dù chỉ một lần. 
Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một bữa cậu bé tìm cha mình báo rằng đã không còn một cái đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu đã cùng cậu đến bên hàng rào. Ở đó ông nói với cậu rằng: 

“Con đã làm rất tốt, nhưng hãy nhìn những lỗ đinh trên hàng rào. Hàng rào đã không thể giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói ra điều gì trong cơn giận dữ thì những lời nói đó cũng giống như những lỗ đinh này, chúng để lại những vết sẹo trong lòng người khác, rất sâu và mãi mãi. 

Dù sau đó con có nói xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương đó vẫn còn ở lại. Vết thương tinh thần cũng đau đớn như những vết thương thể xác vậy. Những người xung quanh ta, người thân ta, bạn bè ta là những viên đá quý. Họ giúp con cười và giúp con trong mọi chuyện. Họ nghe con nói khi con gặp khó khăn, cổ vũ con và luôn sẵn sàng mở rộng tấm lòng mình cho con. Hãy nhớ lấy lời cha...”.

Đều là chuyện tích cóp để giáo dục thái độ đúng mực của chúng ta về sự nóng giận. Với áp lực của cuộc sống, của cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai hàng ngày khiến ta luôn cả thấy mệt mỏi, bực bội. Thế là ta tự cho cái quyền làm đều mình thích, được la hét, xỉ vả bất cứ ai mà ít khi nghĩ tới người đó đang phải đau khổ như thế nào, kể cả người đó thất vọng về mặt tinh thần, là sự suy sụp bản ngã khó có điều gì bù đắp nổi. 

Mỗi ngày hãy dành cho mình ít phút để thấy rằng cuộc sống chúng ta còn bao điều kỳ diệu khi biết chia sẻ và quan tâm lẫn nhau, biết đâu bạn lại tìm thấy mình trong đó. Thử hỏi, nếu một ngày kia, bạn là nạn nhân của cơn nóng giận mà người khác trút vào, thử hỏi bạn sẽ phản ứng ra sao? Chống đối, đáp trả, nín lặng hay căm phẫn. Mọi hành vi đó chẳng nói lên được điều gì bởi mỗi người có một quan điểm sống khác nhau, nhưng tốt hơn hết hãy làm “con người” khi vẫn còn chưa muộn. 

Thanh Thúy

TAG:

Ý kiến của bạn