Tiếng nói của những lá phiếu

Thứ sáu, 26/01/2018, 11:01 GMT+7

Việc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm không còn là chuyện xa lạ hoặc mới mẻ với những tổ chức hoặc quốc gia hướng đến sự dân chủ trong khuôn khổ. Là người khởi xướng việc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm trong tổ chức nên tôi quyết định khai triển dưới 2 hình thức: 


1/ Cấp dưới bỏ phiếu tín nhiệm cho cấp quản lý trực tiếp.
2/ Các quản lý trung và cao cấp bỏ phiếu tín nhiệm lẫn nhau. 


Tất cả đều có 2 lựa chọn: Tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm không phải tác nhân ảnh hưởng đến sự bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm với các cấp quản lý, nhưng nó đã giúp cho lãnh đạo có cái nhìn bao quát và tiệm cận những vấn đề liên quan đến tính cách, phẩm chất và quan hệ giao tiếp giữa mọi người với nhau trong tổ chức, đặc biệt là những người ở vị trí quản lý. 

Những người có số phiếu tín nhiệm cao thường ít va chạm trong công việc với đa số những người khác. Nói cách khác, họ làm việc mang tính chuyên môn sâu, độc lập hoặc công việc của họ mang tính phục vụ những lợi ích cơ bản chính đáng cho nhiều người. Họ biết cách hòa hợp hoặc lấy lòng người khác bằng nhiều cách thức có thể mang tính tích cực hoặc tiêu cực. Họ là tuýp người có khả năng gây ảnh hưởng tốt và ngược lại. 

Những người có số phiếu tín nhiệm khá thường là những người có năng lực và kinh nghiệm làm việc tốt và phạm vi công việc của họ ở diện rộng, liên quan đến nhiều tầng nấc khác nhau. Các mối quan hệ của người đó với xung quanh cũng khá hài hòa, ngặt nỗi họ không can dự được những dòng chảy trong suy nghĩ mang tính cá nhân của một thiểu số người muốn thể hiện cái tôi bằng cách khẳng định tầm quan trọng của sự "thích” hay “không thích" của mình, chứ không thể hiện đúng tinh thần, ý nghĩa và quyền chính đáng trong việc bỏ phiếu "tín nhiệm” hay “không tín nhiệm". 

Còn những người có số phiếu tín nhiệm thấp cũng không có nghĩa là họ không có năng lực hay chuyên môn, kinh nghiệm làm việc tốt. Nhưng nó cũng phản ảnh một phần về tính cách hoặc phẩm chất của người đó đang có trục trặc (có những khiếm khuyết trong giao tiếp và ứng xử cần được điều chỉnh hoặc thay đổi) dẫn đến các mối quan hệ xung quanh có dấu hiệu rạn nứt hoặc trong trạng thái “đèn đỏ”. Nguyên nhân sâu xa có lẽ cũng vì xung đột lợi ích hoặc không thỏa mãn những mưu cầu của một nhóm người hoặc cá nhân nào đó dẫn đến chịu sự “tẩy chay” mang tính “hội đồng”. 

Cho dù kết quả bỏ phiếu tín nhiệm như thế nào nhưng chắc chắn một điều rằng "vàng thật không sợ lửa". Những ai có số phiếu tín nhiệm thấp không nên tự bằng lòng với năng lực chuyên môn của mình mà quên đi việc trau dồi thêm các kỹ năng cần thiết trong ứng xử và giao tiếp. Cởi mở và chân thành là 2 yếu tố không thể thiếu trong việc gia cường, củng cố các mối quan hệ giúp cho việc tương tác trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn. 

Còn những ai nắm trong tay số phiếu tín nhiệm khá và cao cũng không nên vội mừng và hoan hỷ. Sự hòa hợp hoặc gây ảnh hưởng lên người khác cần đảm bảo những tiêu chí cơ bản không gây xung đột đến quyền lợi của tổ chức hoặc phương hại đến lợi ích chính đáng của người khác. Nếu làm được những điều “trái tim mách bảo”, biết đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân thì chắc chắn rằng ta sẽ không lung lay hoặc mất lòng tin với bản thân vì thiếu những lá phiếu bầu thể hiện sự tín nhiệm tuyệt đối.

"Đừng sợ hãi dẫn đến việc từ bỏ những điều tốt hướng đến những điều tuyệt vời” - John D. Rockefeller.

NHQ

TAG:

Ý kiến của bạn