Quy tắc cân bằng

Thứ sáu, 26/01/2018, 10:51 GMT+7

Không ít người tỏ ra thắc mắc khi cuốn sách của tác giả Kurt W.Mortensen ra đời với tiêu đề “12 quy tắc vàng của nghệ thuật gây ảnh hưởng” lại được rất nhiều người tìm đọc. Điều giản đơn là với thế giới hội nhập hiện nay, việc thuyết phục và gây ảnh hưởng đang trở thành mối quan tâm ngày càng lớn, trước hết là đối với nhà quản lý và lãnh đạo - những người cần gây ảnh hưởng tới người khác và sau đó là ngay cả những con người bình thường, dù không nắm giữ một khả năng đặc biệt nào, nhưng đều cần có lúc biết cách thuyết phục và chống lại sự thuyết phục như thế nào để thành công.

Tham gia khóa học nội bộ về chuyên đề này ngay từ đầu với sự dẫn dắt của người lãnh đạo cao nhất công ty khiến tôi nhận thức rõ giá trị của việc tiếp thu và ứng dụng các quy tắc này vào công việc hàng ngày là rất cần thiết. Theo Dale Carnegie: “Khi giao tiếp với mọi người, hãy nhớ rằng không phải bạn đang giao tiếp với những sản phẩm tạo hóa có lô-gíc mà là với những tạo vật đầy cảm xúc. Đó là những sản phẩm tạo hóa đầy định kiến và luôn bị thúc đẩy bởi tính kiêu căng và rỗng tuếch”. Ông đã muốn nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa người với người qua khả năng thẩm thấu về mặt cảm xúc, sự cân bằng để tạo ra thông điệp về tính thuyết phục cao. Và điều này cũng là một trong 12 quy tắc cần thiết của nghệ thuật gây ảnh hưởng mà tôi rất tâm đắc bởi công việc của tôi là tiếp xúc với nhiều khách hàng trong nhiều tầng nấc khác nhau cả về giới tính, tuổi tác và kinh nghiệm làm việc.

Để đem lại kết quả tốt nhất mà mục tiêu bản thân đặt ra, việc phân định cảm xúc của người đối diện để phán đoán, nắm bắt ý đồ từ đó linh hoạt giải quyết phù hợp là điều không thể thiếu với loại công việc mà tôi đang đảm nhiệm. Khóa học đã chỉ ra đến 14 loại cảm xúc có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi con người như giận dữ, kiên nhẫn, sợ hãi, thù địch, tử tế, ghen tỵ.v.v. Nhiều khi tôi tự hỏi vậy có khi nào ta rơi vào bi kịch khi không biết tạo sự cân bằng giữa cảm xúc và lý trí hay không bởi hai đặc tính này không bao giờ tương đồng và thống nhất với nhau. Một bên là bản năng và một bên là sự xét đoán dựa trên cơ sở thực tế mà bản thân đang trải qua.

Với khách hàng, muốn bán được hàng nếu có khó khăn thì không thể ngay lập tức đưa ra những lý do thoạt nghe qua tưởng như khách quan để từ chối thẳng thừng bởi với họ sẽ đơn giản chỉ vì anh không đủ năng lực đáp ứng mà đang tìm cách thoái thác, thế thôi! Vậy phải làm gì trong tình huống này? Đó là nhanh chóng lên kế hoạch phản hồi đồng thời suy nghĩ tìm kiếm những lý lẽ có sức thuyết phục nhất để truyền đạt tới khách hàng những thông tin thể hiện sự quan tâm của mình đến họ với những mục đích cụ thể sao cho họ cảm nhận hết sự chân thành được phục vụ của mình mà cảm thấy thỏa mãn sau khi nhận được câu trả lời. Không một ai khi mua hàng rồi nhận ra sự ghẻ lạnh từ người bán mà lại hạ mình năn nỉ để mua cho được món hàng đó dù đó là lô hàng thật sự mà họ đang rất cần. Nguyên nhân phát xuất từ cảm xúc phẫn nộ thường rất khó kiểm soát bởi họ có cái quyền đó - quyền của người trả tiền để mua hàng. 

Trong thế giới mà sự cạnh tranh trở nên gay gắt, nếu không nắm được những quy tắc vàng để tạo ảnh hưởng tới người đối diện thì công việc có thể trở nên nặng nề và khó khăn không chỉ cho bản thân mà có thể liên quan tới hiệu quả của cả phòng ban. Những bài tập có tính ứng dụng buộc tôi phải suy nghĩ nhiều về cách làm cũ trước đây. Ngay từ bây giờ không gì tốt hơn là phải thay đổi để tiến lên.

Phương Lam

TAG:

Ý kiến của bạn