Giúp người nghèo: hãy cho họ "cần câu"

Thứ tư, 17/01/2018, 14:35 GMT+7

Để kịp giờ hẹn thực hiện nghi thức trao nhà tình thương cho hộ nghèo ở phường Ba Láng, quận Cái Răng, đoàn chúng tôi phải rời khỏi nhà trong lúc mọi người đang say giấc ngủ để có thể có mặt tại thành phố Cần Thơ trước 9 giờ sáng.

Ô tô dừng ở quốc lộ và chúng tôi phải di chuyển bằng xe gắn máy của anh em Công ty Thuốc lá Vinataba – Philip Morris trên đoạn đường làng quanh co khúc lượn nhưng đã được trải bê tông nhựa dài khoảng 2km. Hai bên vệ đường rợp bóng những bụi tre và cây ăn trái đặc trưng của vùng sông nước, ẩn phía sau là những căn nhà vách lá, thi thoảng xen lẫn một ngôi nhà bê tông mái ngói. Đó là "dấu hiệu" phân biệt giữa hộ nghèo và đã thoát nghèo.

bt58-3_1

Căn nhà tình thương được trao cho bà quả phụ Huỳnh Thị Thuấn sắp tròn lục tuần, đang nuôi 2 cháu nội trong độ tuổi "nổi loạn", vì ba mẹ chúng đã ly dị và bỏ quê lên Bình Dương làm công nhân 5-6 năm nay rồi. Mỗi ngày, bà Thuấn đèo theo một đứa cháu trên chiếc xe đạp cọc cạnh để đến các quán xá mời khách mua vé số. Nếu bán được 50 vé một ngày thì bà kiếm được 50 ngàn đồng. Có lần chẳng may bị cướp mất tập vé số, bà chỉ còn biết ngồi khóc và chờ sự thương xót của những người hảo tâm qua đường.

Ba miệng ăn chỉ trông chờ vào sức lao động yếu ớt của bà Thuấn. Tôi quan sát, trên khoảnh đất nhỏ, sân trước - sân sau chẳng thấy trồng cây gì có thể ăn được, chẳng có bóng dáng con gà con vịt nào. Tôi hỏi: "Sao bà không tận dụng khoảnh đất mà trồng cái gì đó, để bữa nào không có thu nhập cũng còn có thứ mà nấu ăn?". Bà đáp: "Tôi đi bán cả ngày, hơn nữa không có tiền nên không làm gì được". 

Tôi hiểu, bà Thuấn đã cạn kiệt sức lực, không thể làm gì hơn ngoài việc đi bán vé số. "Bà phải tập cho 2 cháu phụ việc nhà. Không thể vừa không đi học mà cũng chẳng biết làm gì". Tôi cảm thấy khó chịu, và đề nghị với các vị đại diện chính quyền địa phương: "Hai đứa nhỏ không khai sinh, không hộ khẩu, chính quyền nên lo giúp cho họ được học các lớp tình thương về đêm để còn biết cái chữ sau này đi làm lo thân. Chứ tuổi này mà không học thì mai đây lại trở thành gánh nặng cho địa phương". 

Một thực tế không thể phủ nhận là rất nhiều vấn đề của xã hội hiện nay xuất phát từ cái nghèo, cái đói, cái khó của gia đình. Những con người được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh thiếu sự đùm bọc của người thân, thiếu sự giáo dục của nhà trường, rất dễ sinh tật lười biếng, không có ý chí vươn lên. Không thể cứ mãi trông chờ vào sự cưu mang của đoàn thể hay những cá nhân hảo tâm, vì đó chỉ là sự giúp đỡ mang tính nhất thời. Cần có một giải pháp giúp đỡ mang tính lâu dài, kiểu cho cái "cần câu" chứ không phải cho "con cá", thì mới mong giải quyết tận gốc tình trạng những người trẻ có sức nhưng không lao động, trở thành gánh nặng của xã hội. Những con người thiếu nghị lực sống và khả năng vượt khó luôn là gánh nặng của xã hội. Và thiết nghĩ, việc trước tiên có thể giúp họ là cho họ được đi học, để được tiếp nhận sự giáo dục và kiến thức nền tảng. Sự giáo dục và kiến thức - dù ít - luôn giúp con người ta nâng cao ý thức bản năng, từ đó có những hành vi tích cực hơn.

“Nếu cho một người một con cá, anh ta sẽ có cá để ăn trong một ngày. Nếu dạy cho một người cách câu cá, anh ta sẽ có cá để ăn trong cả đời”

NHQ

TAG:

Ý kiến của bạn