Việc thực hiện các biện pháp phòng chống rủi ro luôn là vấn đề cần thiết và không thể thiếu trong mọi ngóc ngách của đời sống chúng ta. Một chút tỉnh táo trong tình huống cấp bách cũng có thể là “ánh sáng cuối đường hầm” giúp chúng ta thoát khỏi những tổn thương không đáng có. Kiến thức không bao giờ thừa dù thật đơn giản và việc biết học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm từ các vụ việc rủi ro đã xảy ra luôn giúp chúng ta có thể tự bảo vệ chính mình và đồng nghiệp. Huấn luyện kỹ năng ứng dụng an toàn lao động trong hoạt động sản xuất đã được nâng lên thành pháp lệnh theo Khoản 4, Điều 150 Bộ luật lao động năm 2013. Trong bài này chỉ đề cập tới vài yếu tố cần thực hiện các biện pháp an toàn và hành vi ứng phó trước rủi ro.
Thời gian gần đây, chúng ta thấy nhiều các vụ cháy lớn gây các hậu quả nghiêm trọng đều do sự bất cẩn của thợ hàn khi thi công sửa chữa, đặc biệt là tại những nơi có các vật liệu dễ cháy như xốp, vải...Các vụ cháy không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản mà còn gây thiệt hại về người. Tia tử ngoại gây ra bởi hồ quang, kim loại lỏng gây ra bởi bắn tóe khi hàn ảnh hưởng lên mắt người thợ khác nhau khi thực hiện các kỹ thuật hàn, cắt khác nhau. Như vậy, việc sử dụng mũ hàn bảo vệ (chuyên dụng) sẽ giúp người thợ tránh khỏi ảnh hưởng của tia cực tím, tia hồng ngoại lên mắt và da vùng mặt, bảo vệ khỏi xỉ hàn nóng chảy bắn tóe trong khi hàn, cắt cũng như phải kiểm tra không gian xung quanh không có các nguyên nhân gây cháy như các nguyên vật liệu dễ cháy, xăng dầu… trước khi hàn luôn là điều đáng phải quan tâm. Việc bảo hộ như đeo khẩu trang, găng tay tưởng rằng là chuyện nhỏ do quá trình thao tác hàn, cắt… với thời gian ngắn nhưng về lâu dài có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp bởi người thợ tiếp xúc trực tiếp với khói bụi hàn, kim loại nóng.v.v. Ngoài ra, việc che chắn an toàn các thiết bị cơ khí sẽ bảo vệ người làm việc tránh khỏi các nguy hiểm có thể xảy ra do sự chuyển động của các thiết bị sản xuất, do các phần vật liệu, dung dịch bôi trơn làm nguội văng ra. Cần phải tuân thủ kiểm định an toàn thiết bị định kỳ nhằm đảm bảo an toàn lao động cho người sử dụng.
Nhiều tai nạn lao động khác như bị dao cắt đứt tay, chân lại hay xảy ra phát xuất từ sự chủ quan và về nhận thức an toàn lao động còn quá sơ sài của người công nhân. Ví như trượt chân ngã vào máy, trượt tay vào dao cắt khi thực hiện lau rửa khay máy, chỉnh sửa trong lúc các trục quay vẫn còn trong trạng thái hoạt động hoặc đang trong quá trình dừng. Hoặc sửa chữa điện mà không chịu cắt cầu dao khu vực, không sử dụng các dụng cụ bảo hộ như đi giày đế cao su, lại dùng vật kim loại thao tác, nâng đỡ mà không bào đảm cách điện triệt để thì có nguy cơ bị giật điện. Sự việc thường xảy ra rất nhanh và kết quả là sức khỏe người bị nạn tổn thương, công đoạn sản xuất bị ngưng trệ và sẽ mất nhiều thời gian cho thủ tục bồi thường nhằm hỗ trợ một phần cho tai nạn.
Cuối bài, xin nêu vài biện pháp hữu ích dễ áp dụng và hạn chế tổn thất về người khi xảy ra sự cố cháy là phải nhanh chóng thoát ra khỏi khu vực cháy đầy khói bụi, dùng khăn ướt hay vải tẩm nước bịt mũi miệng và cúi thấp người chạy hoặc bò ra bên ngoài theo đường dẫn do khói bụi thường có khuynh hướng bốc lên cao rất dễ gây ngạt thở, ngất xỉu khi hít phải. Trường hợp thấy lửa cháy bén vào áo quần phải tức tốc nằm ngay xuống sàn, lăn quan lăn lại để tự dập lửa chỗ cháy trước khi thoát ra hoặc chờ cứu hộ.
Quốc Hải
TAG: