Cuộc sống văn minh và công nghệ hiện đại giúp chúng ta ngày càng phải tự biết hoàn thiện bản thân trong mọi hoàn cảnh khác nhau chứ không phải ỷ lại hay lệ thuộc vào nó để tận hưởng hoặc buông xuôi. Cách đặt vấn đề như thế nghe có vẻ lạ lẫm nhưng thật ra là muốn đề cập tới tính chính thống của bản chất con người trong thời đại mới đó là nhận thức lẽ phải trong thực tiễn.
Có thể coi rằng lẽ phải là những điều đúng đắn, phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội. Tôn trọng lẽ phải là cách mà ta công nhận, ủng hộ, tân thủ và bảo vệ những điều đúng đắn từ đó điều chỉnh những suy nghĩ, hành vi của mình theo hướng tích cực không chấp nhận, đồng ý với những điều sai trái. Mối quan hệ xã hội cũng từ đó phát triển mang đến sự ổn định và bền vững.
Tuy nhiên, lẽ phải trong mỗi người sẽ được định hình và xây dựng bằng nhiều con đường khác nhau và điều đó đôi khi bị lợi dụng để thỏa mãn nhu cầu của đối tượng khác, đó là tính cả nể. Một chuyên gia tâm lý – Thạc sĩ M.Hạnh trong một chương trình truyền hình về kỹ năng sống sáng chủ nhật (14/9/2014) trên VTV3 thì cho rằng: “Cả nể là một hành vi làm giúp công việc cho một người khác trong khi bản thân không thật sự muốn hoặc không có nhu cầu nhưng e ngại đối tượng đánh giá không đúng về mình hoặc bản thân sợ đổ vỡ một mối quan hệ nào đó”. Thực tế cho thấy tính cả nể thường có ở những người tôn trọng lẽ phải bởi họ cho rằng “làm lợi” cho người khác luôn đem lại điều tốt đẹp hơn là điều xấu. Điểm đáng nói ở đây là kết quả nếu không đạt như ý muốn thì mặc nhiên đem lại cho người đó sự khó chịu thậm chí lo sợ khi không hoàn thành “nhiệm vụ” thực ra không phải của mình.
Đáng nói hơn là trong một tập thể, cả nể đôi khi kìm hãm sự phát triển nhân cách của những thành viên khác khi đặt họ vào trạng thái ỷ lại và chây ỳ với công việc trong lúc cá nhân người cả nể sẽ gánh chịu những áp lực không đáng có để cố hoàn thành một việc được bao bọc bởi cụm từ “đó là lẽ phải”.
Trong một cuộc họp tính cả nể thường không có khuynh hướng tích cực khi đi tìm giải pháp cho một vấn đề. Người cả nể rất ngại “đụng chạm” chỉ để đảm bảo rằng mối quan hệ công tác hoặc ngoài xã hội sẽ không bị xấu đi, tất nhiên khi được yêu cầu phát biểu chắc rằng cũng chỉ nói qua loa, chung chung mà không dám đi sâu phân tích vấn đề chính thậm chí có thể lên tiếng phản đối người khác và luôn luôn đồng ý với ý kiến của người chủ trì không ngoài mục đích được làm hài lòng họ.
Trong công việc, tính cả nể có thể làm mọi việc trở nên rối rắm một khi kết quả không như mong đợi. Người cả nể nhận thực hiện một việc quá khả năng và tầm hiểu biết của mình có thể ảnh hưởng xấu đến những khâu quan trọng có tính liên tục khác, nó làm mất thời giờ và tiền bạc vào những chỗ không đáng mất, nhất là dễ làm xấu đi hình ảnh của bản thân trước mắt mọi người.
Ở khía cạnh khác, tính cả nể nếu đúng lúc đúng nơi có thể giữ được hòa khí trong giao tiếp, có thể giúp cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng đừng nên vượt quá giới hạn kiểm soát khiến người khác lấy đó làm cơ hội lợi dụng cho nhu cầu ích kỷ của mình.
Trang Đài
TAG: