Từ một nhân viên làm thuê đến chủ doanh nghiệp với hơn 200 nhân viên, chị Nhan Húc Quân - Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo đã thể hiện bản lĩnh của nữ doanh nhân can đảm, không ngừng sáng tạo. Với phương châm “Xây dựng doanh nghiệp bằng uy tín và chất lượng”, Tổng Giám đốc Nhan Húc Quân đã đưa New Toyo trở thành một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam suốt nhiều năm qua. Vậy bí quyết nào giúp doanh nghiệp phát triển bền vững giữa cơn lốc cạnh tranh của thị trường? Người lãnh đạo phải có bản lĩnh và tố chất gì để chèo lái con thuyền doanh nghiệp phát triển và đứng vững? Hãy lắng nghe những chia sẻ quý báu dưới đây để cùng hiểu hơn về một nữ doanh nhân tài ba.
1. Chị có thể cho biết, để trở thành tổng giám đốc của một doanh nghiệp lớn, chị đã phải trải qua những khó khăn, thử thách nào? Phải chăng là cháu của Chủ tịch Tập đoàn New Toyo Singapore nên con đường của chị ít chông gai hơn?
Đã hết cái thời “một người làm quan thì trăm họ được nhờ”. Tất cả đều phải thể hiện bằng năng lực và sự phấn đấu học tập và trải nghiệm lao động của bản thân một cách nghiêm túc và bền bỉ. Tiếp quản một doanh nghiệp hơn 200 lao động theo cách quản lý “gia đình trị” của Tổng giám đốc tiền nhiệm, tôi phải vất vả để vạch ra con đường đi phía trước cho hơn 200 lao động. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải dựa trên sự quản trị bằng hệ thống, phải có kế hoạch kinh doanh cụ thể. Các yếu tố dựa trên cảm tính và tình cảm cá nhân phải được loại bỏ trong bộ máy của tổ chức. Các cơ chế chính sách đãi ngộ phải rõ ràng để kích thích mọi người tự tạo động lực để phát triển bản thân và biết cách hòa hợp để làm việc.
2. Khi bắt đầu đứng trên cương vị lãnh đạo cao nhất, chị đã gặp phải những khó khăn nào? Đâu là động lực để giúp chị vượt qua?
Khó khăn lớn nhất như tôi vừa kể là doanh nghiệp không có nền móng quản trị theo tư duy quản trị hiện đại. Các yếu tố lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm tồn tại lâu năm đã thành rào cản cho những nhân tố tích cực thúc đẩy tiến trình cải cách. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thực hiện việc cải cách được. Một khi con đường phía trước đã được vạch ra, người nào thích nghi được sẽ tồn tại và ngược lại phải bị đào thải hoặc tự đào thải mà thôi. Động lực lớn nhất thúc đẩy tôi vượt qua những khó khăn đó chính là tính trách nhiệm với bản thân và với những người theo mình, ủng hộ mình và yêu quý mình.
3. Là một lãnh đạo không chỉ phải giỏi về chuyên môn mà còn phải có kỹ năng quản lý con người. Bí quyết quản lý tốt nhân viên của chị là gì? Cách thức để tạo động lực làm việc tích cực cho nhân viên?
Quản lý con người quả là một môn nghệ thuật. Nó đòi hỏi sự nhạy bén và tùy biến của người lãnh đạo trước mỗi hoàn cảnh và con người. Muốn quản lý tốt nhân viên không còn cách nào khác bằng cách làm gương. Giới trẻ bây giờ không thích nghe nói nhiều mà họ thích xem những gì mình làm. Muốn người khác đối xử tốt với mình thì mình hãy đối xử tốt với người khác trước, đó là một quy tắc sống của bản thân tôi. Để tạo động lực phát triển tích cực cho nhân viên, doanh nghiệp phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử và hình thành được văn hóa doanh nghiệp. Đảm bảo rằng ngoài kỹ năng làm việc được chú trọng và phát triển, các yếu tố về nhân cách và đạo đức cũng phải được trui rèn và phát triển song song.
4. Từ khi giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam đến nay, chị đã có những quyết định “táo bạo” nào? Theo chị để lãnh đạo tốt một doanh nghiệp thì doanh nhân cần những tố chất gì?
Quyết định “táo bạo” là dám thay đổi, từ việc yêu cầu một số người làm có thâm niên tự giác nghỉ việc cho đến xây dựng cho bằng được 3 hệ thống ISO, SA và OHSAS theo tiêu chuẩn quốc tế. Và sắp tới đây là triển khai ứng dụng phần mềm hệ thống ERP để xâu chuỗi lại các số liệu, phân tích theo một chuẩn mực phục vụ cho việc ra quyết định nhanh và xác thực hơn. Doanh nhân thực thụ thì không thể thiếu tố chất nhất quán, kiên trì và lòng trắc ẩn.
5. Hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh về lĩnh vực sản xuất bao bì, giấy nhôm. Vậy New Toyo Việt Nam đã có những chiến lược, lợi thế nào để đứng vững và phát triển?
Mình phải xác lập được lợi thế cạnh tranh của mình là gì, những gì mình thực sự làm chưa tốt để tìm giải pháp khắc phục. Và cái gì mình đã làm tốt thì tiếp tục phát huy. Nếu người lãnh đạo doanh nghiệp không muốn hoặc không có khả năng để thay đổi chính mình cũng như thay đổi cục diện, thì hiển nhiên doanh nghiệp đó sớm muộn cũng sẽ bị thôn tính hoặc phá sản. Hãy thử nhìn qua những diễn biến cuộc sống quanh ta, tại sao có những quán ăn nằm trong hẻm hóc vẫn nườm nượp khách mỗi ngày trong khi một số nhà hàng trang trí hoành tráng mà thường vắng bóng thực khách? Đó chính là sự khác biệt!
6.“Thương trường là chiến trường”, chị nghĩ sao về quan điểm này?
Tôi không có quan niệm như vậy. Cơ hội luôn luôn dành cho những người thực sự yêu nghề và đam mê với nghề. Nói đến cạnh tranh tức là yếu tố khốc liệt, còn tương lai chỉ dành cho những ai luôn biết cố gắng và kinh doanh có đạo đức (không làm tổn hại đến môi trường, tài nguyên hoặc lợi ích chính đáng của người khác).
7. Người ta thường nói, doanh nhân luôn đứng ở đỉnh núi cô đơn. Vậy chị có cảm thấy cô đơn?
Nếu chúng ta nghĩ chúng ta cô đơn, thì lúc nào cũng sẽ cảm thấy hiu quạnh.
Là doanh nhân luôn phải tự nhủ và biết làm chủ suy nghĩ của chính mình. Có như vậy mới đủ sức lực và tinh thần vượt qua những bão táp phong ba của cuộc đời để đi tiếp hành trình phía trước.
8. Nếu nhận xét về chính bản thân mình thì chị cho rằng mình là người như thế nào?
Tôi là người trọng chữ “tín”, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và những người theo mình. Tôi không thích nói nhiều mà thích quan sát, không dễ biểu lộ cảm xúc bản thân, luôn luôn tự nhìn lại chính mình để biết tự điều chỉnh.
9. Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ khao khát khởi nghiệp kinh doanh, làm giàu song lại không biết bắt đầu từ đâu? Chị có lời khuyên gì dành cho họ?
Trước khi nghĩ đến làm chủ hãy đi làm thuê trước. Sau vài năm tích lũy vốn sống và vốn kiến thức với cung cách quản lý và giao tiếp xã hội, lúc đó khởi nghiệp cũng chưa muộn. Hãy làm những việc mà mình thực sự đam mê và hiểu tương đối rõ về nó. Đừng bao giờ lao vào làm chỉ vì mình thích và muốn thể hiện cá tính của mình.
10. Là một người phụ nữ trong gia đình lại đảm nhận vị trí quan trọng trong một doanh nghiệp, chị làm thế nào để cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc? Bí quyết giúp chị vượt qua những áp lực, căng thẳng?
Phụ nữ bước vào thương trường sẽ phải vất vả hơn đàn ông rất nhiều vì phải chu toàn nhiều vai trò cùng lúc. Bí quyết để vượt qua những áp lực và căng thẳng chính là biết cách sắp xếp, phân bổ và tận dụng quỹ thời gian. Biết việc gì quan trọng cần làm trước và việc gì không. Biết từ chối và chấp thuận đúng lúc. Và một điều không kém phần quan trọng trong đời sống tâm linh của tôi đó là hướng về Thiên Chúa để được trải lòng và lắng nghe những điều răn, lời dạy vào những ngày Chúa Nhật. Đó cũng là một niềm hạnh phúc đối với tôi!
BBT
TAG: