Không một ai trong chúng ta không có những khoảng thời gian thiếu hụt để làm một việc gì đó cho bản thân, cho công việc, cho gia đình, bè bạn .v.v. muốn vậy thì phải “ráng” mà thâm lạm quỹ thời gian nghỉ ngơi riêng để hoàn thành. Trong định nghĩa tiếng Việt, động từ “ráng” được coi như là một hành vi nghiêng nhiều về chiều hướng tích cực được thực hiện khi chịu tác động bởi một yếu tố ngoại lai nằm trong ý chí của bản thân và không bị ràng buộc bởi điều kiện khác.
1. Một công việc được giao trong khoảng thời gian nhất định mà chưa làm xong thì ta phải “ráng” nghiên cứu để làm dù có phải về trễ hay buộc thức đêm mà cày. Hoặc đang coi một trận cầu hay nhưng nhà bị mất điện đột xuất trong khi nhà hàng xóm vẫn rạng rỡ như ban ngày thì ta đành cố mày mò tìm nguyên nhân rồi “ráng” hì hục sửa chữa đến mức quên cả đường đi lối về. Một bài tập quá khó cũng “ráng” ngồi đồng mà nghiền ngẫm cho ra quên cả giờ cơm. Quyết tâm thể hiện một món quà handmade tặng bạn thì không thể không “ráng” mà hoàn thành trước giờ G. vì sợ mất mặt. trong mô hình doanh nghiệp thì “ráng” làm thêm theo kế hoạch sản xuất (tăng ca) còn được trả thêm lương theo luật.v.v. Đó là những câu chuyện “ráng” tích cực với chủ đích muốn đem đến một kết quả tốt đẹp cho đối tượng và chắc chắn làm hài lòng bản thân.
2. Tuy nhiên, thực tế có nhiều hành vi “ráng” đáng bị lên án hoặc bị cộng đồng mạngxã hội “ném đá” tơi bời bởi xuất phát điểm từ sự thiếu ý thức, vô tâm thậm chí kém hiểu biết về cách ứng xử của chính bản thân người đó. Đơn cử tại các ngã tư, lúc mà đèn vàng đang chuyển đỏ, vài người vẫn “ráng” lao vút đến khi thoát qua thì vênh vênh tự đắc, còn lỡ như xui rủi đụng xe nằm ềnh ra đó thì đổ lỗi tại số “em” nó vậy, đó là chưa nói tới người qua đường bị vạ lây vì cái đen đủi giữa đàng bỗng đâu quàng vào cổ. Nói cho ngay tại công sở, trong giờ làm việc thì dư khối thời giờ dành chát chít, đọc báo mạng hay ngồi chơi xơi nước để đến khi có kiểm tra hay lệnh hối thúc thì mới “ráng” bày chuyện ra làm kiếm chút “ô-vờ-thai” (ngoài giờ) hoặc cố tình cho sếp nhìn thấy sự mẫn cán của mình. Nhiều nhân viên thoạt nhìn tưởng rằng ham công tiếc việc té ra lại “ráng” tận dụng cái không khí mát mẻ của máy lạnh chạy ro ro lúc hết giờ làm việc ở lại để vô mạng lăng-xê ảnh tự sướng lên phây-búc rồi ngồi nhịp chân chờ còm-men từ các fan hâm mộ. Gần đây, báo chí đưa tin xe chở bia lật đổ ra đường ở Đồng Nai, thay vì giúp đỡ người bị nạn thì một số nhân vật đẹp giai nhưng thiếu ý thức lại hăng hái hùa ra hôi của khiến bác tài khóc ròng vì xót xa. Trên đường qua lại không thiếu kẻ nhìn thấy tai nạn thương tâm nhưng thôi “ráng” chạy… luôn tránh bị phiền phức hoặc e ngại sợ dừng lại mà người thân bị nạn hiểu lầm đòi hăm he nắm đấm thì toi. Đó là chuyện “ráng” tiêu cực phải cần loại dần khỏi nhận thức trong một xã hội văn minh.
3. Cuộc đời quả lắm éo le! Nhiều người rất có trách nhiệm và ý thức nhưng khi “ráng” hết sức để đem lại kết quả tốt đẹp thay vì được khen ngợi thì lại bị coi là chuyện bình thường, có chi mà ầm ĩ đôi khi làm cho kẻ “ráng” buồn “5 phút” và thấy chẳng có động lực gì để mà “ráng” tiếp theo. Lại có kẻ do khôn khéo mà có hành vi “ráng” đúng lúc, đúng thời điểm thì lại được ca ngợi lên tận mây xanh, trở thành nhân tố X để mọi người noi theo. Việc đánh giá đúng - sai thôi thì cũng coi là do cảm tính nên đành chấp nhận vậy, cái chính là tự bản thân luôn thấy cần phải làm những điều nên làm và cương quyết bỏ đi những kiểu “ráng” không ra gì bởi chúng ta luôn tin thời gian là thước đo bản chất con người tốt nhất.
Nhận thức và hành động đúng là bản ngã nhân sinh của nhân loại. Nhưng câu nói để đời: “Well done is better than well said” (Nói bao giờ cũng dễ hơn làm) – của Benjamin Franklin, nhà chính trị gia, triết gia, khoa học… một trong số ít người khai sáng ra nước Mỹ duy nhất không phải là tổng thống có mặt trên tờ mỹ kim mệnh giá 100 lưu hành khắp thế giới – lại rất cần cho chúng ta suy ngẫm.
Gia Tài
TAG: