TPP, viết tắt của cụm từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Thành viên TPP bao gồm 12 nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore và Việt Nam.
Các nước Colombia, Philippines, Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến TPP. Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động… Hiện 12 quốc gia tham gia đều là thành viên của Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) với tổng dân số 650 triệu người, trung bình thu nhập bình quân đầu người đạt 31.481 USD (năm 2011), tổng GDP lên đến hơn 20 nghìn tỷ đô-la Mỹ. Khi có hiệu lực, TPP tạo ra một thị trường chung đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp các nước thành viên.
Ngoài ra không thể không chú ý đến việc đây là sáng kiến do Hoa Kỳ dẫn đầu. Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và luôn coi khu vực châu Á – Thái Bình Dương là chìa khóa để tăng trưởng trong tương lai. Một số ý kiến còn cho rằng Hoa Kỳ đang cố gắng sử dụng TPP làm công cụ để cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực này. Nhiều người cũng tin rằng các thành viên khác của APEC cũng sẽ tham gia TPP trong vài năm tới, khiến TPP ngày càng quan trọng hơn.
Trước sức ép của nền kinh tế hội nhập mang tính tương trợ và tự do hóa thương mại cao cho các nước thành viên trong TPP, Trung Quốc cũng đang mong muốn được tham gia TPP nhưng do Trung Quốc hiện chưa có những giải pháp chuẩn mực về bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ, chống hàng giả - hàng nhái (fake). Tuy nhiên, những lợi ích quá lớn do TPP mang lại nên tương lai có thể Trung Quốc sẽ cố gắng để gia nhập TPP và có thể xem đó là điểm bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam vì lợi thế cạnh tranh sẽ bị thu hẹp dẫn đến mất thị trường.
Đánh giá tác động khi TPP chính thức có hiệu lực tại nước ta trong giai đoạn ngắn hạn là cơ hội tăng xuất khẩu dệt may, giày dép, nông thủy sản… do vậy người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn nhưng ngược lại, chúng ta vấp phải các rào cản kỹ thuật (thuế) do thiếu thông tin, khả năng cạnh tranh yếu trong chăn nuôi, dịch vụ, mất thị trường đầu tư và có thể có xáo trộn, bất ổn trong một giai đoạn.
Về dài hạn, tác động của TPP cho ta cơ hội cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, thách thức mà chúng ta phải đối mặt là việc thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, giải quyết các bất cập về thể chế kinh tế, chính trị sao cho phù hợp, tiết giảm khoảng cách giữa năng lực bộ máy chính quyền với nhu cầu của xã hội.
Hiệp định TPP ra đời tạo cơ sở cho việc hội nhập các nền kinh tế khu vực và chúng được xây dựng bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên vùng châu Á - Thái Bình Dương, đó có thể xem là nền tảng cho kinh tế đất nước ta được hội nhập nhanh nhất.
Thanh Hà
TAG: