Thái độ ứng xữ nơi công cộng

Thứ ba, 30/01/2018, 11:21 GMT+7

Đất nước đi sâu vào hội nhập, kinh tế người dân ngày càng khấm khá, nhiều tiện ích dịch vụ công cộng như hạ tầng đường xá được các thành phố là trung tâm văn hóa lớn quan tâm phát triển để vươn lên sánh bước ngang tầm khu vực. Thế mà một số cư dân phần thì thiếu hiểu biết, phần chưa kịp thích nghi với cái mới hoặc có kẻ sang giàu mới nổi… vẫn giữ thói quen xử sự thấp kém tại chốn công cộng khiến nhiều người khó chịu thậm chí phản ứng gay gắt.

Nhìn một số lề đường mới được lát gạch tinh tươm, những hàng cây xanh mát mới trồng chỉ trong vài tháng đưa vào hoạt động đã trở nên nhếch nhác, bong tróc (hãy khoan nói tới chuyện chất lượng công trình hay dở thế nào mà bài này chỉ đề cập tới ý thức sử dụng của công từ lợi ích cá nhân của một vài người). Lề đường, hàng cây nhếch nhác, bong tróc vì nhanh chóng bị chiếm dụng làm nơi giữ xe cho khách vào hàng quán ăn uống, mua sắm; lề đường làm nơi đun nấu, xả rác một cách vô tư của cả chủ quán ăn lẫn khách đến ăn; lòng đường lại là nơi cư trú vô tội vạ của mấy xe bán nước sâm, bánh mì, hàng rong, sửa xe và thế là người đi bộ lại chịu cảnh “vi phạm pháp luật” do đi buộc phải đi dưới lòng đường thành một thói quen thường ngày.

Nhìn cảnh ghi lại những người dân vùng Đông Bắc Nhật Bản dưới trời rét chỉ khoác manh áo cũ vẫn kiên nhẫn đứng xếp hàng lãnh suất cơm sau trận địa chấn, sóng thần kinh hoàng năm 2011 với sự nhẫn nại. Thế mà ở ta, trong khi chờ check-in cho chuyến bay nội địa, một chị mặt hoa da phấn, dáng vẻ sang trọng qua cách ăn mặc lại cứ xấn xổ đẩy chiếc xe chở hành lý cá nhân chen ngang dòng người xếp hàng. Khi thấy mọi người phản ứng trước thái độ thiếu văn minh đó, chị ta lại oang oang cho rằng mình đúng khi người đứng phía trước không chịu nhích khỏi “làn ranh đỏ” (red line / stop line) để làm thủ tục cho nhanh (?) mặc cho ai nói đó là làn quy định dừng cho người làm thủ tục kế tiếp. Cuối cùng chị ta cũng hậm hực đứng lại trước cái nhìn và lắc đầu khó hiểu của mấy người ngoại quốc phía sau. Thật không thể hiểu nổi cái kiến thức sơ đẳng hay do không chịu quan sát học hỏi khi dùng tới phương tiện đi lại văn minh nhất thời đại là máy bay của chị ta, hành vi ấy chỉ làm xấu đi hình ảnh của người Việt mà thôi. 

Trước đây trên các trang báo viết, báo mạng có lần không chỉ đưa ra hình ảnh mà còn là clip ghi lại cảnh một nhóm người trẻ có, già có chen chúc nhau giành giựt lấy phần hải sản cho riêng mình trong một bữa tiệc buffet khiến những học giả, những người làm giáo dục phải bất ngời và choáng váng. Văn hóa ăn uống của ông bà xưa đã dạy: “Ăn xem nồi, ngồi trông hướng” hay “Học ăn, học nói, học gói, học mở” như mất hút vào dĩ vãng lâu rồi. Đó có phải là hệ quả của một nền cải cách, giáo huấn không tới nơi tới chốn cho lớp thế hệ sau thời kỳ chiến tranh gian khổ? Có vẻ như sự xa hoa, hào nhoáng thậm chí phô trương trong thời đại ngày nay được tôn vinh, nể trọng hơn là những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống chăng?

Câu chuyện kể ra trên đây nhiều người nghe sẽ chép miệng thốt lên: “Ối chà, tưởng gì. Chuyện thường ngày ấy mà!”. Nhưng có mấy ai nghĩ rằng cái chép miệng cho qua đó sẽ là sức ì trong ý thức mà chính sách đổi mới nhận thức và thái độ cầu tiến của xã hội chúng ta đang phải lao đao đối mặt?

Sống trên đời cần lắm những tiện nghi, thụ hưởng sau những gì vất vả ngược xuôi nhưng không có nghĩa là đánh đổi tất cả để thể hiện cho mọi người thấy cái “tôi” hết sức vô duyên của mình!

Văn Diễn

TAG:

Ý kiến của bạn