Cuộc sống hối hả, tất bật đan xen giữa công việc, chuyện chăm sóc gia đình cứ trôi đi năm nay sang năm nọ. Vậy là đã hơn 30 năm tôi mất liên lạc với thầy dạy của mình.
Qua người bạn học thời phổ thông ở trường Trần Bội Cơ, biết được tin hiện một số thầy vẫn còn khỏe dù đã tuổi cao sức yếu, tôi chủ động sắp xếp một buổi chiều thứ bảy để cùng bạn đến thăm các thầy…
Thầy Trung – giáo viên dạy Toán của tôi dù đã chuyển qua làm nghề gia công giày da sau khi nghỉ hưu, nhưng vẫn nụ cười rạng rỡ, vẫn cách nói dí dỏm, vẫn nét cương nghị hiện trên khuôn mặt. Ngồi bên chiếc bàn máy may, thầy cặm cụi với từng đường kim mũi chỉ, dán từng chiếc gót dày. Cửa hiệu giày da “Duy Anh” ở số 264 đường Ngô Quyền, Q.10 đã là địa chỉ thân quen, tin cậy với đồng nghiệp, bà con chòm xóm của thầy. Đó là nhờ chất lượng và độ bền của sản phẩm được làm từ hai bàn tay lao động, và cả cái tâm của một người thầy.
Đến giờ này, khi đã là một người mẹ của những người con trưởng thành, mà khi trò chuyện với thầy, tôi vẫn được thầy ân cần dặn dò: “Con nhớ luôn giữ sức khỏe, dùng trí trong đối nhân xử thế, dùng đức để thu phục lòng người và tích phúc đức cho bản thân, gia đình, gia tộc mình”. Tôi ra về với đôi dép da – chất liệu thì nhẹ mà mang nặng nghĩa tình do thầy tặng. Vâng, trên mọi nẻo đường hôm nay và mai sau, những lời thầy dặn dò sẽ như đôi dép gắn liền với đôi bàn chân để tôi có thể ghi những dấu ấn đẹp trên bước đường đời, xứng là một trò ngoan của thầy.
Không được còn khỏe khắn như thầy Trung, thầy Chấn – giáo viên dạy Văn của tôi đã khoác trên người chiếc áo của người tu hành, nhẹ nhàng bước xuống cầu thang khi chúng tôi đến. Đôi chân mày rậm rạp tuy đã bạc trắng nhưng đôi mắt thầy vẫn ngời sáng, giọng nói vẫn trong (mặc dù thầy đã từng phẫu thuật dây thanh quản) và êm, tôi nghe mà như được sống lại thời niên thiếu khi mơ màng trong những bài giảng của thầy về sự tích tình thầy trò giữa Khổng Tử - Nhan Hồi; sự tri kỷ thâm giao giữa Bá Nha – Tử Kỳ…
NHQ
TAG: