Từ tháng 4 hàng năm trở đi là cao điểm mùa khô tại miền Nam, thời điểm có nhiều nguy cơ rủi ro xảy ra cháy - nổ cao tại các nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp, khu chợ, khu thương mại, chung cư… với nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng nguyên nhân chủ yếu đều xuất phát từ sự kém ý thức của con người khi sử dụng nhiều thiết bị gây nhiệt, lửa hoặc các nguồn nguy cơ khác, ví dụ đun nấu, đốt phế liệu không đúng vị trí, thiếu an toàn gây chập điện hoặc do hàn, cắt bắn các tia lửa vào các vật liệu dễ bắt lửa như giấy, mút xốp, xăng dầu gần đó hoặc các trang bị máy móc về an toàn lao động lại sơ sài, cũ kỹ, thiếu kiểm tra thường xuyên… thì nguy cơ rất dễ xảy ra cháy.
Thêm một nỗi khi nhiệt độ ở tầm 35-37oC, nắng như đổ lửa xuống mặt đường, cỏ cây khô héo thì cũng là lúc mực nước các sông xuống thấp và lưu vực vùng hạ du nhiều nơi đã xảy ra tình trạng khô hạn. Gần đây, dư luận lên tiếng phản ứng không đồng tình về việc bất cập trong quy hoạch và cấp phép xây dựng hàng loạt các nhà máy thủy điện cho phép tích nước tại các đập ở thượng lưu các con sông lớn miền Trung và Tây Nguyên làm chậm hoặc chuyển dòng chảy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu nước tưới tiêu và sinh hoạt cho người dân vùng đồng bằng. Nước được xem là nguồn chữa cháy hết sức hiệu quả và không thể thay thế khi có cháy thế mà nguồn nước dự trữ trong mùa khô lại thiếu hụt có thể dẫn tới kém hiệu quả khi xử lý sự cố. Việc ngăn ngừa nguy cơ cháy trong mùa nắng nóng hiện nay luôn là tâm điểm được các cấp chính quyền, các lãnh đạo doanh nghiệp hết sức quan tâm vì hậu quả khôn lường làm thiệt hại về tài sản và tổn thất con người do cháy gây ra là vô cùng to lớn.
Ngoài những quy định nghiêm ngặt của Luật phòng cháy và chữa cháy, tự thân mỗi chúng ta đều phải ý thức sâu sắc trách nhiệm và nghĩa vụ trong công tác phòng cháy và chữa cháy ngay tại địa phương và nơi công tác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại nếu có. Trong đó, doanh nghiệp phải chú trọng đến trang bị các thiết bị PCCC, tham khảo tài liệu kết hợp đơn vị chức năng tổ chức cho CNV tham gia tập huấn phòng cháy và chữa cháy định kỳ sẽ là yếu tố quan trọng sẽ giúp mọi người có kiến thức tối thiểu đối phó với rủi ro khi cháy – nổ hoặc có thể mạnh dạn hỗ trợ đồng nghiệp những lúc cần thiết. Đừng nên để “nước tới chân mới nhảy” rồi sau đó lại đổ lỗi cho các nguyên nhân khác.
Việc trang bị kiến thức sơ đẳng về thao tác sử dụng các công cụ phòng và chữa cháy phổ biến hiện nay là loại bình bột và bình khí CO2 dùng dập lửa xách tay là rất cần thiết.
Bình bột sử dụng an toàn, tin cậy, thao tác đơn giản, hiệu quả chữa cháy cao dùng để dập hầu hết các loại đám cháy chất rắn, lỏng, khí, dập đám cháy thiết bị điện có điện lưu tới 380 volts. Sử dụng bằng cách chuyển bình tới gẩn địa điểm cháy. Lắc xóc vài lần giật chốt hãm kẹp chì chọn đầu hướng gió hướng loa phun vào gốc lửa giữ bình ở khoảng cách 4 – 1,5 m tuỳ loại bình, bóp van để bột chữa cháy phun ra.
Bình khí CO2 có thân bình làm bằng thép đúc, hình trụ đứng thường được sơn màu đỏ. Khí CO2 được nén chặt trong bình với áp suất cao sẽ chuyển sang thể lỏng nên khi chữa cháy chỉ vặn van hay rút chốt bóp cò là khí CO2 sẽ phun ra dập tắt đám cháy. Nguyên lý làm việc: tự phun với cơ chế chữa cháy của CO2 là làm loãng nồng độ hơi chất cháy trong vùng cháy và bên cạnh đó nó còn có tác dụng làm lạnh do CO2 ở dạng lỏng khi bay hơi. Cần chú ý đọc hướng dẫn, nắm kỹ tính năng tác dụng để bố trí dập các đám cháy cho phù hợp. Khi phun phải tắt hẳn mới ngừng phun, khi dập các đám cháy chất lỏng phải phun phủ lên bề mặt cháy, tránh phun xục xuống chất lỏng. Khi phun tuỳ thuộc vào từng đám cháy mà chọn vị trí, khoảng cách đứng phun cho phù hợp, không nên sử dụng bình để dập các đám cháy ngoài trời. Nếu dùng, khi phun phải chọn đầu hướng gió, đề phòng bỏng lạnh do nhiệt độ khí CO2 khi thoát ra ở nhiệt độ xuống âm 70oC. Chỉ được cầm vào phần nhựa, cao su trên vòi và loa phun. Trước khi phun ở phòng kín, phải báo cho mọi người ra hết khỏi phòng, phải dự trù lối thoát ra sau khi phun.
Thủy Tiên
TAG: