"Khi bạn phải lựa chọn và bạn không lựa chọn, chính bản thân điều đó cũng là một lựa chọn” – William James.
Chuyện xảy ra cách đây hơn chục năm nhưng tôi muốn kể lại, vì nó liên quan đến nhận thức và ý thức về quyền lựa chọn của mỗi người khi đứng trước một sự việc, một hoàn cảnh.
Sau vài năm cộng tác, tôi đã đồng ý nhận 2 cậu con trai của người tài xế riêng vào làm việc trong công ty riêng của tôi chuyên ngành về vận tải đường bộ, một ở vị trí điều xe (cậu lớn) và một làm lơ xe (cậu nhỏ).
Một hôm, cậu lớn được giao nhiệm vụ đi thu vài khoản công nợ mà vốn dĩ những khách hàng này có thói quen chi trả tiền mặt. Cậu vui vẻ nhận sự điều động. Đúng là “lửa thử vàng, của thử lòng người”. Khi đã cầm trên tay số tiền tương đương 2 lượng vàng lúc bấy giờ, cậu ta lập tức tắt điện thoại di động (trong 2 ngày liên tục) và không đến công ty làm việc. Sau khi được quản lý của cậu ta trình báo sự việc, tôi mời người tài xế riêng đến nói chuyện với sự chứng kiến của giám đốc tài chánh lúc bấy giờ.
Tôi thẳng thắn nói với người tài xế: “Tôi yêu cầu gia đình anh vận động cậu lớn ra đầu thú và hoàn trả số tiền biển thủ cho công ty không chậm hơn 07 ngày làm việc. Nếu sau 07 ngày mà vẫn không thấy cậu ấy nộp tiền cho phòng kế toán tài vụ thì tôi sẽ báo cơ quan công an để xử lý theo luật”.
Người tài xế tỏ vẻ đăm chiêu và nói: “Sau thời hạn này mà vẫn không tìm ra được nó thì liệu công ty có thể bỏ qua, không trình báo cơ quan công an không?”. Tôi trả lời một cách dứt khoát, mặc dù tôi biết sự việc này có thể dẫn đến việc tôi sẽ quyết định cho vị này thôi việc hoặc chính anh ta sẽ xin thôi việc: “Nếu gia đình đứng ra cam kết hoàn trả số tiền biển thủ cho công ty, tôi chấp nhận hình thức trả chậm tùy vào khả năng của gia đình, cho dù là 3 hoặc 5 năm, và xem như tôi sẽ bỏ qua sự việc này. Nhưng nếu gia đình không cam kết hoàn trả thì buộc lòng tôi phải trình báo công an”. Gia đình người tài xế đã nhận trách nhiệm này trước công ty và cũng đã hoàn tất nghĩa vụ hoàn trả sau 3 năm như đã cam kết.
Trong trường hợp này, vị tài xế không thể đổ lỗi cho tạo hóa rằng tại sao lại cho mình một đứa con ngỗ nghịch như thế, càng không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh rằng mình nghèo mà không nhận được sự cảm thông của công ty. Tôi cũng không thể trách móc anh ta tại sao đã từng được tôi giúp đỡ lại để cho người thân làm điều sai trái. Tất cả những suy nghĩ đó chẳng giải quyết được chuyện gì. Chúng ta phải lựa chọn cách giải quyết.
Người tài xế phải lựa chọn: Hoặc chịu trách nhiệm về hành vi của con trai mình, hoặc mất việc. Bản thân tôi cũng phải lựa chọn: Hoặc bỏ qua sự việc để tạm thời giữ người phục vụ cho mình, hoặc chấp nhận có thể xáo trộn nhân sự nhưng đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của công ty. Và tôi đã có một lựa chọn hợp lý: Không những đảm bảo hơi thở (nhận thức và ý thức của những người đang làm việc) và nhịp đập (quy ước trong việc thu tiền mặt về sau) của doanh nghiệp được tiếp tục trong điều kiện ít xáo trộn nhất, thu lại được tiền cho công ty, và còn giúp được những con người vốn dĩ thấp kém về mặt nhận thức và ý thức kịp nhìn lại và tự điều chỉnh cho chính mình.
Cho dù chúng ta lựa chọn như thế nào đi chăng nữa thì điều đó cũng phản ánh tâm tính, nhận thức và nhân cách của của một con người!
NHQ
TAG: