Luôn là chính mình

Thứ ba, 30/01/2018, 15:14 GMT+7

Khi sinh ra trên đời ai cũng giống nhau về ý thức hệ. Khi thời gian trôi qua thì môi trường sống, mối tương quan xã hội, ứng xử của mọi người chung quanh… đã từng ngày, từng tháng tác động và ảnh hưởng lên não bộ làm thay đổi thái độ và tư duy của từng cá nhân trong mối quan hệ với gia đình và xã hội.

Có những người lúc nhỏ cực kỳ ngoan hiền nhưng lớn lên lại là người ngổ nghịch, muốn thể hiện mình trước đám đông với vô vàn chiêu thức cực kỳ phản cảm, khó chấp nhận. Ngược lại, có kẻ thời học sinh luôn bày trò quậy phá khiến thầy cô bực bội kể cả cha mẹ cũng khó mà thuần hóa thì bất chợt một ngày nào đó lại bỗng trở nên hiền hòa, nói năng lễ độ, biết trước biết sau, kính trên nhường dưới khiến ai nấy đều cảm thấy ngỡ ngàng…

Thạc sĩ tâm lý M. trong một chương trình truyền thanh trực tiếp trên sóng VOH hồi cuối tuần qua có kể câu chuyện thế này khiến ta phải suy ngẫm:

Gia đình ông Thomas tại thành phố New Orleans thuộc tiểu bang Lousiana phía Nam Hoa Kỳ vào thập niên 80 thế kỷ trước, sau thời gian dài hiếm muộn đã nhờ khoa học can thiệp và sinh đôi ra hai bé trai đồng trứng. Lúc mới sinh, hai chú bé rất giống nhau cả về màu mắt, màu tóc và hình thể kể cả vết bớt trên mặt, đến nỗi ngay cả cha mẹ chúng cũng thường xuyên đau đầu do nhầm lẫn. Rồi thời gian trôi qua, như bao đấng sinh thành khác, mong ước lớn nhất của họ là hai bé sẽ khỏe mạnh, thông minh, giỏi giang và đều trở thành người có ích cho xã hội.

Thế nhưng sự đời trớ trêu! 
Càng lớn, tính cách hai đứa bé càng khác xa nhau. Đứa anh do ra đời trước lại tăng động và bộc lộ hành vi lười biếng, nóng nảy, thậm chí phản ứng thái quá với mọi người xung quanh trong khi đứa em thì tỏ ra biết lắng nghe người lớn và chăm học. Những năm sau đó, ông Thomas do thất nghiệp đã trở thành gã đàn ông nát rượu, thường xuyên cãi vã thậm chí đánh cả vợ con sau những cơn say lúy túy khiến hai đứa trẻ luôn co rúm người sợ sệt mỗi khi gặp mặt cha. Một ngày đông lạnh giá, mẹ chúng qua đời và chúng đã phải trải qua những chuỗi ngày cơ cực sau đó... Một ngày kia, đứa anh bị cảnh sát bắt do buôn bán, tiêu thụ ma túy và phải ở tù. Còn người em thì tốt nghiệp tiến sĩ và được cử giảng tại một trường đại học danh tiếng của bang. 

Những người tham gia nhóm nghiên cứu tâm lý khá ngạc nhiên về tính cách và cái kết của hai anh em sinh đôi trong gia đình này. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã kịp rút ra kết luận đắt giá về nhân cách là sự thay đổi nhận thức cá nhân sẽ phát triển qua từng thời kỳ trong cùng một môi trường sống, thậm chí có xuất phát điểm từ một hợp tử ban đầu, sự thay đổi đó chính là ý thức tích cực hoặc tiêu cực trong suy nghĩ của bản thân trước tác động của môi trường bên ngoài là gia đình và xã hội.

Khi được hỏi lý do tại sao lại sa ngã và chịu vòng lao lý thì người anh tỏ vẻ bất cần. Nhưng sau hồi im lặng, anh ta nói giọng hằn học: “Với một gia đình tồi tệ như vậy, tôi phải làm gì khi sống mà không có tương lai? Cha nghiện rượu, mẹ thì chết và tôi cũng thấy là mình như đã chết rồi…”. Còn người em mỉm cười rồi vui vẻ trả lời một cách dứt khoát với cùng câu hỏi trên: “Sống trong một gia đình ở đáy xã hội, thử hỏi tôi còn có con đường nào khác bằng việc bản thân phải tự phấn đấu vươn lên để thoát khỏi bóng đen đè nặng đó? Tôi cần phải cố sức học tập, phải thành danh để tự cứu lấy mình, thế thôi!”.

Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, vậy thì hãy sống sao để không cảm thấy hổ thẹn với bản thân. “Đừng khinh chê hoàn cảnh của bạn – nơi đó là chỗ bạn hành động và chiến thắng” - (Khuyết Danh). 

Tâm Can

TAG:

Ý kiến của bạn