Chuyện tử tế

Thứ ba, 30/01/2018, 16:02 GMT+7

Con đường từ nhận thức đến ý thức luôn là đề tài nóng trên các diễn đàn về ảnh hưởng của xã hội lên tư duy con người khi mà các giá trị đạo đức có vẻ không còn được coi trọng như trước đây. Để đạt tới ý thức hoàn mỹ thật không dễ dàng nếu không có một quá trình tác động tích cực từ nhận thức ban đầu là cảm xúc, tình cảm để chuyển hóa thành ý thức thông qua thái độ, hành vi được xã hội chấp nhận. Không khó để thấy việc nhiều người đi trên đường khạc nhổ bừa bãi hay xả rác một cách vô thức như là chuyện tự nhiên và chuyện làm phố phường sạch đẹp là trách nhiệm của các anh chị lao công. Tại nhiều ngã tư, dù đèn đỏ chưa chuyển xanh nhưng rồi một người vượt qua, người sau nối tiếp cũng vượt qua, thì nếu mình đứng lại tất sẽ bị tiếng còi, tiếng thúc hối phía sau… gây nên sự hoang mang cho chính mình. Vậy vượt hay không vượt, dù biết rằng điều đó là sai? Môt tai nạn trên đường, chỉ nhìn rồi đi qua. Một người, rồi hai người đi qua thì dù có nhiều người hiếu kỳ dòm ngó nhưng cũng sẽ đi qua mặc nạn nhân nằm rên rỉ. Khi hỏi tại sao có hành động như vậy sẽ luôn nhận được câu trả lời khá giống nhau là do e ngại, phiền phức hoặc thấy không ai dừng lại giúp thì mình cũng tránh đi vì sợ hiểu lầm.v.v. 

Bây giờ người ta thường chọn giải pháp an toàn để rồi sống một cách thụ động bởi như vậy thì sẽ không ai có thể chê trách hay phản ứng lại hành vi của mình. Đó là tâm lý “đám đông”, là sự an toàn đến mức cực đoan nhằm giải thích cho hành vi tiêu cực của một nhóm người trong xã hội hiện nay. Tất nhiên, vẫn còn nhiều, rất nhiều người tốt sẵn sàng ra tay giúp đỡ người khác nhưng ý thức tốt, hành vi đúng xem ra còn lắm chuyện để nói vì nó có vẻ như không là điều bình thường phải làm trong một xã hội có kỷ cương. Người lớn hay xuề xòa với những hành động thái quá của con trẻ và biện minh bằng “tình thương” dành cho nó nhưng có biết đâu họ đang đặt đứa trẻ vào hoàn cảnh khó khăn đó là tạo cho chúng tư tưởng ỷ lại, sống bàng quan, thờ ơ với mọi người xung quanh. Làm người tử tế quả thật không hề dễ dàng!

Để trở thành con người tử tế, có lẽ mỗi người phải tự điều chỉnh và hoàn thiện hành vi, suy nghĩ của mình đúng với pháp luật, đúng với chuẩn mực của đạo đức. Thế nhưng, hiện nay bên cạnh những con người có lối sống tử tế thì còn không ít những người thiếu tử tế. Chẳng hạn đối với bản thân mình thì luôn thừa nhận, chấp nhận những gì có sẵn, không cần tiến bộ, sống tha hóa, lừa đối bản thân và thiếu ý chí. Với mọi người thì ganh ghét, đố kị, thậm chí bất chấp mọi thủ đoạn để giành lợi ích cho chính bản thân mình mà không hề nghĩ đến những hệ lụy xảy ra đối với mọi người xung quanh. Có thể nhận thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến lối sống thiếu tử tế trong một bộ phận những con người hiện nay đó là do sự phát triển quá nhanh của lối sống hiện đại, nó đưa con người vào guồng quay của cuộc sống. Giá trị của đồng tiền len lỏi trong từng suy nghĩ, tiềm thức của mỗi người làm họ sẵn làm tất cả để hưởng lợi. Bởi lối sống tử tế bản chất nó không có một bộ luật hay điều luật nào giám sát, nên trong chính bản thân mỗi người phải tự hình thành một khuôn khổ, nếp sống văn minh, văn hóa, lành mạnh trong môi trường sống tại gia đình và cộng đồng. Có vậy chúng ta mới thảnh thơi mà tận hưởng hương vị do cuộc sống này mang lại.

Lệ My

TAG:

Ý kiến của bạn