Mẹo đánh bại chứng mất ngủ

Thứ sáu, 27/11/2020, 10:58 GMT+7

Mất ngủ có nghĩa là bạn thường xuyên gặp vấn đề về giấc ngủ. Các biểu hiện có thể kể: Cảm thấy khó đi vào giấc ngủ, thức dậy nhiều lần trong đêm, thức suốt đêm, thức dậy sớm và không thể ngủ lại, cảm thấy mệt mỏi sau khi thức dậy, không thể ngủ vào ban ngày mặc dù mệt mỏi, khó tập trung vào công việc ban ngày vì mệt mỏi… Những biểu hiện này có thể xuất hiện trong một vài ngày, một tuần, vài tuần, thậm chí nhiều tháng, đôi khi nhiều năm.

Mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân: Do tâm lý như căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm; do ngoại cảnh như tiếng ồn, phòng ngủ quá nóng hoặc quá lạnh, giường không thoải mái; do dùng chất kích thích như rượu, caffeine hoặc ma túy; do làm việc quá sức; do bệnh tật; do tuổi tác… Và rất nhiều trường hợp, ngay cả các chuyên gia sức khỏe cũng không tìm ra nguyên nhân. 

Xác định đúng và loại bỏ nguyên nhân cách hữu hiệu nhất để lấy lại giấc ngủ. Tuy nhiên, đôi khi chỉ bằng việc thay đổi thói quen ngủ hoặc thói quen sinh hoạt cũng đủ để đánh bại chứng mất ngủ khó chịu.

Mỗi người cần ngủ với thời lượng khác nhau, nhưng mỗi ngày trung bình người lớn cần ngủ từ 7 – 9 tiếng, trẻ em từ 9 – 13 tiếng và trẻ từ sơ sinh đến 1 tuổi cần ngủ 12 – 17 tiếng. Ngủ ít hơn thời gian tối thiểu sẽ khiến cơ thể luôn mệt mỏi, không thể tập trung và tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể.  

Những lời khuyên sau đây từ các chuyên gia sức khỏe có thể giúp bạn có những đêm thư thái hơn:

Giữ giờ ngủ đều đặn: Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày sẽ lập trình cho cơ thể bạn để ngủ ngon hơn. 

Tạo một môi trường ngủ thoải mái: Phòng ngủ của bạn phải là một nơi yên bình để nghỉ ngơi và ngủ. Nhiệt độ, ánh sáng, tiếng ồn, giường nệm nên được kiểm soát để môi trường phòng ngủ giúp bạn đi vào giấc ngủ một cách thư thái và duy trì điều đó suốt đêm.

Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục vừa phải thường xuyên, chẳng hạn như bơi lội hoặc đi bộ, có thể giúp giảm bớt căng thẳng tích tụ trong ngày. Nhưng hãy chắc chắn rằng bạn không tập thể dục quá mạnh, chẳng hạn như chạy hoặc tập thể dục, quá gần giờ đi ngủ, vì nó có thể khiến bạn tỉnh táo. Tắm nước ấm, nghe nhạc êm dịu hoặc tập yoga nhẹ nhàng sẽ giúp thư giãn tinh thần và cơ thể.

Cắt giảm chất kích thích: Caffeine có trong trà, cà phê, nước tăng lực hoặc cola có thể cản trở quá trình đi vào giấc ngủ và cũng ngăn chặn giấc ngủ sâu. Thay vào đó, hãy uống một ly sữa ấm hoặc trà thảo mộc. Rượu có thể giúp bạn dễ ngủ ban đầu, nhưng nó sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của bạn vào ban đêm. Những người hút thuốc thường mất nhiều thời gian để đi vào giấc ngủ hơn, thức dậy thường xuyên hơn và thường có giấc ngủ bị gián đoạn hơn.

Viết ra những lo lắng: Nếu bạn có xu hướng nằm trên giường suy nghĩ về những thứ phải làm vào ngày mai, hãy dành thời gian trước khi đi ngủ để viết ra giấy những điều đó.

Nếu không thể ngủ, đừng nằm đó mà lo lắng, hãy dậy và làm một việc gì đó mà bạn cảm thấy thư giãn cho đến khi cảm thấy buồn ngủ trở lại hãy quay lại giường.

Và sau cùng, khi đã làm tất cả mà tình trạng mất ngủ vẫn không được cải thiện, bạn đừng để tình trạng kéo dài hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày và sức khỏe về lâu dài, hãy tìm bác sĩ đa khoa để được hỗ trợ điều trị.

K.H

TAG:

Ý kiến của bạn