Mỗi sáng, mọi người từ những nẻo đường khác nhau cùng “đổ” về đây, khu nhà gọi là “Công ty” và những người trong đó gọi nhau là “đồng nghiệp”. Và (hầu hết) chúng ta ở bên nhau trong 8-9 tiếng liền. Mỗi tuần ít nhất 5 ngày như thế. Nếu không tính thời gian ngủ của mỗi người, thời gian chúng ta ở bên nhau thậm chí còn nhiều hơn thời gian chúng ta ở cùng cha/mẹ, vợ/chồng, anh chị em hay con cái của mình. Tính thế mới thấy, khoảng thời gian chúng ta ở nơi làm việc chiếm một phần quan trọng trong đời sống của mỗi người.
Vui, buồn, hứng khởi, bực bội, bứt rứt, băn khoăn… vì công việc hay phát sinh từ sự tương tác với nhau, tất cả những cảm xúc ấy không chỉ “gắn” với ta trong 8-9 tiếng ở công ty, mà còn có thể “bám” vào tâm trí ta trên đường đi, khi về đến nhà, trong suốt thời gian ở bên gia đình, cho đến tận lúc ta đi ngủ. Bởi vậy nên tôi, và chắc cả đồng nghiệp cũng vậy, chẳng bao giờ mong đem về nhà những cảm xúc tiêu cực sau khi rời công ty.
Theo các nhà tâm lý học, cảm xúc là phản ứng, là sự rung động của con người trước tác động của yếu tố ngoại cảnh. Nói như vậy, đối với đồng nghiệp, tôi là một phần của ngoại cảnh, và do vậy tôi cũng có thể là một trong những yếu tố tạo nên cảm xúc của đồng nghiệp trong và sau mỗi ngày làm việc. Không, tôi không muốn đưa đến cảm xúc tiêu cực cho đồng nghiệp đâu. Vì vậy, xin hãy giúp tôi cải thiện bản thân mình.
Nếu đồng nghiệp thấy tôi đang phán xét một ai đó, xin hãy nhắc nhở tôi, rằng không phải lúc nào tôi cũng biết điều gì đằng sau những hành động và quyết định của người khác. Biết đâu lý do của hành động hay quyết định đó là một ý định, một mục đích tích cực. Vì vậy, xin hãy nhắc tôi đừng thiếu cẩn trọng khi đưa ra nhận định.
Nếu đồng nghiệp thấy tôi cứ chăm chú vào điện thoại khi đang trong cuộc trò chuyện hay trao đổi với ai đó, xin hãy nhắc nhở tôi, rằng tôi có thể quyết định chỉ tập trung vào điện thoại của mình. Nhu cầu cơ bản của con người là được quan tâm. Không ai thích nói chuyện với một người hầu như không lắng nghe. Vì vậy, xin hãy nhắc tôi đừng làm hỏng cuộc trò chuyện vì sự thiếu tập trung.
Nếu đồng nghiệp thấy tôi có ý so sánh tầm quan trọng của các phòng ban hay vị trí công việc, xin hãy nhắc nhở tôi, rằng một cái “long đền” bé xíu cũng không phải chi tiết thừa trong cỗ máy. Mỗi phòng ban có nhiệm vụ riêng, nhưng đều không thể thiếu trong một tổ chức. Tương tự, mỗi vị trí công việc có yêu cầu về năng lực khác nhau, nhưng đều không thể không có người đảm nhiệm. Ai đáp ứng yêu cầu của vị trí nào thì được hưởng mức lương ở vị trí đó. Vì vậy, xin hãy nhắc tôi đừng so sánh một cách khập khiễng.
Nếu đồng nghiệp thấy tôi phàn nàn vì bị ai/bộ phận nào đó “làm khó”, xin hãy nhắc nhở tôi, rằng có thể có những quy định mà tôi chưa biết. Mỗi chuyên ngành đều có những yêu cầu, nguyên tắc đặc thù, đôi khi chỉ những người làm chuyên môn mới hiểu rõ. Vì vậy, xin hãy nhắc tôi đừng vội vàng trách cứ khi chưa hiểu hết.
Nếu đồng nghiệp thấy tôi chỉ trích người khác, xin hãy nhắc nhở tôi, rằng sai phạm hay mắc lỗi là một phần của cuộc sống của tất cả mọi người. Trong cuộc sống, đôi khi sự đúng – sai không thể được phân định một cách rạch ròi. Cái đúng trong hoàn cảnh này, môi trường này đôi khi lại trở thành cái sai, thậm chí rất tệ khi điều kiện ngoại cảnh đã khác đi. Và, có ai dám khẳng định mình không bao giờ sai. Vì vậy, xin hãy nhắc tôi đừng kết luận chỉ bằng cảm quan và từ góc nhìn của mình.
Nếu đồng nghiệp thấy tôi tỏ ra hào hứng khi “thắng” trong một cuộc tranh luận nào đó, xin hãy nhắc nhở tôi, rằng chưa hẳn tôi đã đúng khi người khác không nói. Vấn đề hay mâu thuẫn chỉ có thể được giải quyết một cách thấu đáo và triệt để khi chúng ta bày tỏ và lắng nghe một cách chân thành. Điều hay, lẽ phải đôi khi nằm phía sau lời nói và thái độ. Vì vậy, xin hãy nhắc tôi đừng để tâm lý thắng thua chi phối…
Tôi còn nhiều thói quen tiêu cực, nhiều điều chưa hiểu, nhiều thứ chưa biết lắm. Vì vậy, đồng nghiệp ơi, xin hãy giúp tôi cải thiện bản thân, để tôi có thể hạn chế tác động tiêu cực đến cảm xúc của đồng nghiệp.
Cảm ơn nhiều lắm, đồng nghiệp ơi…
Phương Thanh
TAG: