Ngay thuở xa xưa, khi con người bắt đầu tiếp cận với giáo huấn để thay đổi nhân cách sống trong một xã hội thì chuyện “học” và “hành” luôn được đặt lên hàng đầu trong mọi môi trường giáo dục mà không phân biệt không gian và địa lý trên toàn cầu. Đối với các dân tộc Á Châu thì vấn đề trên luôn được nhiều người quan tâm, bàn luận nhất là về mối tương quan chặt chẽ giữa học và hành. Vậy “Học” quan trọng hơn “Hành” hay “Hành” quan trọng hơn “Học”?
Tình cờ giở đọc La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp trong bài Bàn luận về phép học (luận học pháp) thì “ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học, không biết rõ đạo” đã nêu rõ chính kiến của mình về điều này. Xã hội phong kiến với đẩy rẫy những mưu cầu danh lợi, quan lại tham nhũng, tiếm quyền nên đã tìm mọi cách lấy sự học hình thức không phải học chính thống để có chức quyền phục vụ cho ý đồ lợi ích cá nhân.
Do vậy phải cần học từ “...tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên học đến tứ thư, ngũ kinh, chư sử. Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm. Họa may kẻ nhân tài mới lập được công, nhà nước nhờ thế mà vững yên. Đó mới thực là cái đạo ngày nay có quan hệ tới lòng người. Xin chớ bỏ qua”. Ý kiến trên đây của ông là sự đúc kết kinh nghiệm sau bao năm nghiền ngẫm và áp dụng trong thực tế phương pháp dạy và học của Chu Tử, một bậc thầy của Nho giáo đời Tống bên Trung Quốc. Thời đại nào việc học cũng đều quan trọng bởi nhân tài từ đó mà phát triển, nhân kiệt từ đó mà bộc lộ để góp công sức dựng xây và giữ gìn nước nhà. Bác Hồ sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, khi nước nhà mới độc lập còn lắm nỗi truân chuyên vẫn coi “giặc dốt” là kẻ thù cần phải xóa bỏ. Bác khuyến khích toàn dân đi học dưới mọi hình thức để xóa mù và dấy lên phòng trào bình dân học vụ rầm rộ một thời.
Trong phép học của Chu Tử, Nguyễn Thiếp nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa học và hành: học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm. Vậy, chúng ta cần phải tìm hiểu xem: Học là gì? Hành là gì?
Học là hoạt động tiếp thu những tri thức của nhân loại đã được đúc kết qua mấy ngàn năm lịch sử. Chúng ta có thể học ở trường qua sự truyền thụ của thầy cô, học ở bạn bè; tự học qua sách vở và học ở thực tế đời sống. Học để làm giàu tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết. Học để làm chủ bản thân, làm chủ công việc của mình và góp phần hữu ích vào sự nghiệp chung của đất nước. Theo Nguyễn Thiếp, muốn có kết quả tốt phải có phương pháp học tốt. Trước hết phải học từ thấp đến cao. Khi học phải biết tóm lược kiến thức cơ bản đế dễ nhớ, dễ vận dụng. Theo cách nói bây giờ là ta phải biết sơ đồ hóa kiến thức, biết tóm tắt nội dung văn bản đã học từ đó vận dụng kỹ năng tổng hợp, chỉnh lý để phân biệt đúng – sai, lấy cái tốt mà học, biết loại bỏ cái xấu để hoàn thiện bản thân.
Hành là quá trình vận dụng kiến thức đã học vào những công việc hàng ngày. Ví dụ các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng dùng kiến thức tiếp thu 4-5 năm ở trường đại học để vận dụng chúng kết hợp với sự sáng tạo mà thiết kế xây dựng nên những công trình nhà máy, trường học, nhà ở… có giá trị thẩm mỹ, có tính văn hóa, tuân thủ theo quy hoạch chung và nhất là lưu lại tiện ích phục vụ cho người sử dụng theo năm tháng.
Trong nhà máy, công nhân được đào tạo để vận dụng tay nghề, kiến thức đã tiếp thu mà cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng và hiệu suất lao động. Ngoài đồng ruộng, nông dân đã biết sử dụng kiến thức nông nghiệp để phòng chống sâu rầy, tăng mùa vụ với chất lượng hạt lúa cao hơn và nhất là đưa máy móc nông cụ vào thay thế sức trâu, sức người tạo ra những vụ mùa bội thu. Trên biển cả mênh mông nhưng ngư dân đã biết vận dụng kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng nhằm tìm ra những luồng cá với trang thiết bị đánh bắt hiện đại và những tàu đánh cá loại lớn cũng như theo dõi thông tin cập nhật từ đất liền để tránh bão, hạn chế thiệt hại. Mục đích cuối cùng của việc học là để phục vụ công việc tốt hơn, hiệu quả hơn. Nhưng nếu chỉ biết học mà thiếu đi sự vận dụng thì dù có học cao đi chăng nữa tức là không biết đem kiến thức ấy áp dụng vào thực tế thì việc học ấy chỉ tốn thời gian, công sức và tiền bạc mà thôi.
Ngược lại, nếu hành mà không học thì hành không trôi chảy. Trong công việc, nếu ta chỉ biết làm theo thói quen, theo kinh nghiệm có sẵn mà không có kiến thức chắc hẳn năng suất công việc sẽ không cao. Riêng với những công việc đòi hỏi tính chuyên môn cao, phức tạp liên quan đến khoa học, kỹ thuật thì bắt buộc chúng ta phải được đào tạo chính quy, bài bản và suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng để bắt kịp yêu cầu ngày càng cao của thời đại. Rất nhiều người do chỉ biết học cho giỏi nhưng đến khi đi làm thì lại không biết vận dụng lý thuyết đã học vào công việc như thế nào khiến việc ngừng trệ và bị mọi người chê bai, đánh giá là thiếu năng lực thậm chí bị đuổi việc.
Quan niệm về học và hành của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp trong bài Bàn luận về phép học (luận học pháp) cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị thực tế.
Qua phân tích trên, chúng ta đều biết học và hành luôn phải đi đôi với nhau. Học hướng dẫn hành và ngược lại hành bổ sung, nâng cao giúp cho học càng hoàn thiện. Một mớ lý thuyết suông không có chỗ trong thời đại công nghệ thay đổi liên tục như hiện nay. Tất nhiên nếu chỉ biết thực hành chỉ với mỗi kinh nghiệm hay truyền khẩu thì thực tế làm gì cũng thấy khó khăn. Như vậy, chúng ta không thể xem nhẹ chuyện học mà quên đi hành hay chỉ biết hành mà không có học, bởi đó là sai lầm.
Gia Tài
TAG: