Ai được tín nhiệm ?

Thứ hai, 31/08/2020, 10:55 GMT+7

Được cấp trên tín nhiệm là mong muốn của tất cả những người đi làm, bất kể bạn có thừa nhận điều đó hay không. Bởi, tín nhiệm chính là sự ghi nhận giá trị của bạn. 

Theo đó, bạn có được tín nhiệm hay không, không (hoàn toàn) phụ thuộc vào sếp, mà nằm ở chỗ bạn có thật sự có giá trị hay không. Nếu giá trị của bạn là không thể phủ nhận, thì dù sếp không nhận ra thì những người xung quanh vẫn sẽ ghi nhận bạn, và cho đến cuối cùng, phần thưởng sẽ dành cho người xứng đáng.

t6-phuc-tung-cap-tren

Sự tín nhiệm sẽ dành cho những người mang các giá trị sau: 

Cẩn thận, kỹ lưỡng

Bất kỳ công việc gì cũng cần sự kỹ lưỡng. Nhà văn Nam Cao từng nói: “Sự cẩu thả trong bất kỳ ngành nghề nào cũng là một sự bất lương”. Hãy chắc chắn mình không trở thành người như vậy. Sự cẩn thận, kỹ lưỡng sẽ đảm bảo công việc của bạn được trơn chu, chính xác, và cho kết quả tốt. Người cẩn thận sẽ dễ có được sự tin tưởng của mọi người. Nhà quản lý cũng sẽ chỉ giao những nhiệm vụ quan trọng cho người có tính cẩn thận. 

Có tinh thần cầu tiến

Nhà quản lý không bao giờ đầu tư phát triển một nhân viên không có tinh thần cầu tiến. Vậy thế nào là tinh thần cầu tiến?

Người cầu tiến là người làm việc có mục đích, mục tiêu và kế hoạch rõ ràng, làm việc với tinh thần lạc quan, khi gặp khó khăn thì tìm mọi cách khắc phục để hoàn thành mục tiêu, sẵn sàng học hỏi để nâng cao chất lượng và hiệu suất công việc. Người cầu tiến cũng không sợ thừa nhận sai lầm, đồng thời đứng lên nhanh chóng sau khi vấp ngã. 

Chủ động và tích cực 

Cùng thực hiện một nhiệm vụ, nhưng một người chủ động và một người trì hoãn sẽ đưa đến kết quả rất khác nhau. 

Cựu chủ tịch điều hành ABB Percy Barnevik đã từng nói: “Sự thành công của một doanh nghiệp 5% là nhờ chiến lược và 95% là nhờ việc chủ động hành động”.

Đứng trước một nhiệm vụ mới, một số người sẽ có xu hướng lảng tránh vì ngại thay đổi, sợ khó khăn, sợ thất bại;  trong khi số khác sẵn sàng và hứng khởi với thử thách mới.

Theo bạn, một người tích cực, chủ động và một người lơ là, trì hoãn - sếp sẽ yêu quý và ghi nhận người nào? 

t6-ai-duoc-tin-nhiem

Tôn trọng và phục tùng cấp trên

Người biết tôn trọng người khác là người khiêm tốn và có thái độ đúng mực. 

Tuy cấp trên không phải lúc nào cũng đúng, giải pháp của cấp trên không phải lúc nào cũng là tối ưu, nhưng cấp trên luôn là người có quyền quyết định trong phạm vi công việc mà họ được giao quản lý, và bạn không ở vào vị trí của họ nên có thể bạn không hiểu hết lý do của những quyết định mà sếp đưa ra. Vì vậy, những quyết định của sếp phải được tôn trọng và phục tùng. 

Nói như vậy không có nghĩa khuyên bạn phải “nhắm mắt làm theo” mọi chỉ đạo của sếp. Việc bạn tìm thời điểm thích hợp và kịp thời để trình bày với sếp ý kiến, nhận định, góc nhìn của mình, với thái độ chân thành, sẽ giúp bạn nhận được sự đánh giá cao của cấp trên. 

Có lòng biết ơn

Bạn làm việc, đóng góp công sức và trí tuệ của mình cho công ty, và bạn nhận lương và thưởng. Nếu bạn từng nghĩ bạn đang nhận mức lương và tiền thưởng không tương xứng với đóng góp của mình, hãy thử phân tích:  

Trong quá trình làm việc chuyên môn, bạn đã thực tế hoá được những kiến thức và kỹ năng lý thuyết thu nhận trước đó, bạn khám phá ra khả năng tiềm ẩn của bản thân. Qua việc xử lý những tình huống thực tế, bạn rút ra được những bài học, kinh nghiệm để làm giàu cho hành trang nghề nghiệp của mình. Vậy công ty chính là nơi để bạn trưởng thành.   

Sếp là người giao việc cho bạn, phê bình khi bạn mắc sai sót, khen ngợi khi bạn đạt thành tích vượt trội. Đến một ngày, bạn thấy nhờ sự khích lệ và cả khiển trách của sếp mà mình tiến bộ hơn chính mình. Vậy lãnh đạo chính là người dìu dắt bạn đến thành công. 

Bạn có thấy mình nên biết ơn về tất cả những điều đó?

Những người luôn có lòng biết ơn sẽ vứt bỏ được muộn phiền và có được cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc. Những người có lòng biết ơn luôn tràn đầy nhiệt huyết, không sợ gian khó hiểm nguy, luôn vững bước tiến về phía trước.
Một nhân viên luôn thể hiện lòng biết ơn sẽ là người được cấp trên tin tưởng nhất.

Trong một cuộc chạy đua, điểm xuất phát của các vận động viên nằm trên một hàng. Cự ly đường đua của họ cũng không khác nhau. Nhưng mỗi người về đích vào một thời điểm khác nhau. Bạn biết vì sao rồi: Khả năng và kỹ năng khác nhau, dẫn đến tốc độ không giống nhau. Vì vậy, đừng nhìn đồng nghiệp thăng tiến hay được sếp tín nhiệm mà thấy mình bị bất công. Hãy tự hỏi bản thân đã nỗ lực hết sức chưa. 

Hãy trung thực với chính mình: Bạn đã liên tục nỗ lực để làm việc tốt hơn hay chưa? Bạn đã thực sự cố gắng để mở rộng kỹ năng, học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm chưa? Bạn có sẵn sàng tiếp nhận thử thách mới, bước ra khỏi vùng an toàn (sự thoải mái) của mình chưa? Kỳ vọng vào những gì bản thân chưa xứng đáng chỉ khiến bạn lún sâu vào thất vọng, và sự tín nhiệm sẽ còn xa tầm với của bạn.

Có câu “Nếu là vàng ắt tự phát sáng”. Hãy thực sự là vàng trước khi tìm cách phát sáng, bạn nhé!

Kim Hoa

TAG:

Ý kiến của bạn