QA - viết tắt của Quality Assurance, nghĩa là đảm bảo chất lượng. Người làm QA là người có nhiệm vụ giám sát, quản lý và đảm bảo chất lượng của việc xây dựng hệ thống, quy trình sản xuất của Công ty theo một chuẩn mực chất lượng đã được đưa ra trước đó, cũng như chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ các tiêu chuẩn chất lượng từ tất cả các giai đoạn của quá trình nghiên cứu cho đến khi sản xuất ra sản phẩm cuối cùng và bán hàng, tiêu thụ trên thị trường, chăm sóc khách hàng.
Để có thể làm tốt được nhiệm vụ, người làm QA cần có một số kỹ năng sau:
1. Chú ý đến từng chi tiết
Để đạt được điều này, yêu cầu sự cẩn thận, tỉ mỉ. Ngoài việc chỉ nhìn tổng thể, QA cần phải tập trung vào những chi tiết nhỏ nhất để tránh bỏ sót lỗi, 1 số chi tiết rất nhỏ nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hệ thống.
2. Khả năng giao tiếp tốt
Giao tiếp - cả nói và viết - là một kỹ năng quan trọng giúp trao đổi chặt chẽ với những bên liên quan. Là một nhân viên QA, bạn không nên ngại đặt câu hỏi hoặc bày tỏ ý kiến riêng của mình.
3. Kiên nhẫn
Bất cứ người làm QA nào cũng cần coi “kiên nhẫn là 1 đức tính”. Việc vội vã trong xử lý vấn đề sẽ dẫn đến sai sót và kết quả không chính xác. Bạn nên rèn luyện tính kiên nhẫn và coi đó là phương châm làm việc.
4. Luôn luôn học hỏi
Là một QA, bạn cần chuẩn bị và sẵn sàng để theo kịp với các xu hướng công nghệ mới nhất. Bạn càng biết nhiều thì khả năng của bạn càng tiến bộ và dĩ nhiên mức lương mà bạn nhận được cũng sẽ tăng theo. Do vậy đừng dừng lại, mà hãy luôn học hỏi không ngừng!
5. Quản lý thời gian
Quản lý thời gian một cách khoa học sẽ giúp nâng cao hiệu suất và hiệu quả công việc. Để sử dụng quỹ thời gian hợp lý, cần đưa ra mức độ ưu tiên đối những công việc phải thực hiện, cần lập kế hoạch hoặc danh sách công việc để kiểm soát các đầu việc và phân bổ thời gian hợp lý.
6. Khả năng thích nghi
Yêu cầu của khách hàng và các tính năng của sản phẩm thường xuyên thay đổi, deadline cũng có thể thay đổi đột ngột. Vì thế, là một QA, bạn cần có khả năng thích ứng với các tình huống khác nhau để đảm bảo được chất lượng sản phẩm.
7. Bước ra ngoài giới hạn của chính mình
Chỉ có một điều duy nhất đang ngăn cách giữa bạn và sự thành công là câu hỏi “Tại sao bạn không thể làm được điều đó”. Và hàng loạt lý do được đưa ra như: Không có thời gian, Không có sự hướng dẫn, Không có hứng thú.... Nhưng bạn đang sống trong một thế giới mà nếu bạn mắc một lỗi nhỏ cũng có thể gây ra sự tổn thất rất lớn, và bạn cũng không thể lường hết mọi trường hợp khi người dùng sử dụng sản phẩm. Điều quan trọng là phải suy nghĩ về những tình huống phi lý tưởng, điều kiện môi trường, và các trường hợp sử dụng để thực sự kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng tốt nhất có thể.
8. Có nền tảng kỹ thuật
Khi có nền tảng kỹ thuật, QA sẽ có lợi thế hơn về cách giải quyết công việc cũng như sử dụng các ứng dụng để hỗ trợ.
9. Hãy xem mình là người sở hữu sản phẩm
Khi bạn sở hữu một sản phẩm công nghệ, bạn có quyền đổi trả trong thời hạn bảo hành, bạn sẽ kiểm tra các chức năng một cách tỉ mỉ nhất. Lý do là vì bạn là người chủ sở hữu của sản phẩm và bạn luôn muốn dùng sản phẩm tốt nhất. Hãy áp dụng vào các sản phẩm hay các dự án mà bạn đang thử nghiệm, hãy xem mình là người sở hữu của sản phẩm, kết quả sẽ rất tuyệt vời.
10. Thừa nhận lỗi
Bất cứ ai cũng có thể mắc lỗi. Nhưng vấn đề lớn nhất là chúng ta phải biết thừa nhận chúng. Thay vì cãi nhau và tranh luận, thì hãy thừa nhận các lỗi và cố gắng không lặp lại.
Ngọc Duyên
TAG: