Vui buồn ứng viên - nhà tuyển dụng

Thứ ba, 17/09/2019, 10:57 GMT+7

Ngày nay, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì việc tìm kiếm ứng viên không chỉ gói gọn ở những tin đăng trả phí truyền thống mà hình thức PR trên các Group tìm việc, tuyển dụng Facebook, LinkedIn cũng khá hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi đã tìm được ứng viên và đưa vào tầm ngắm thì bắt đầu là các loạt tin nhắn, email, skype tới tấp, chat đủ tiếng Anh tiếng Việt, y như đã quen biết từ rất lâu. Mặc dù nội dung chính giữa ứng viên và nhà tuyển dụng xoay quanh những thông tin giới thiệu về công ty, tính chất công việc, mức lương, chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến, nhưng cũng có bạn còn mạnh dạn xin hẹn hò café với nhà tuyển dụng trao đổi tâm tư tình cảm.

Đối với những bạn ứng viên như sinh viên mới ra trường, ít năm kinh nghiệm thì không mất nhiều thời gian tìm kiếm, nhưng điều đáng suy ngẫm là các bạn vẫn còn chưa định hướng rõ thực tế công việc của bản thân là gì? Các bạn luôn muốn đốt cháy giai đoạn trong khi hiện tại bản thân lý thuyết rất nhiều mà chưa cọ xát với thực tế. Không loại trừ thái độ nhiều bạn ứng viên được nhận lịch phỏng vấn lại “hãnh diện” đến trễ giờ với vô vàn các lý do. Một trong số đó, những câu nói quen thuộc thường được nghe như: em ngủ quên, em bị hỏng xe, trời mưa quá nên cho em hẹn lại ngày mai nhé, ...Những phản hồi đó thực ra vẫn còn là điều may mắn đối với nhà tuyển dụng, có những ứng viên thậm chí đến trễ còn không báo lại ngay cho nhà tuyển dụng, một số khóa luôn máy để tránh bị “làm phiền” cho tới khi nào họ đủ “rảnh”, đủ “hứng thú” để đến được buổi phỏng vấn sau khi đã thất hẹn.

Đối với những kỹ sư chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm thì việc thuyết phục họ nộp hồ sơ, và phỏng vấn còn khó hơn cả gặp nguyên thủ quốc gia hay hoa hậu. Với tâm thế “mình giỏi mình có quyền”, “tôi đang có công việc rất ổn định, thu nhập mới phải cao hơn nhiều mới suy nghĩ đến việc rời đi” và đặc biệt họ có nhiều lựa chọn giữa các công ty. Có những ứng viên đã chọn luôn giờ hẹn phỏng vấn hoặc yêu cầu được phỏng vấn tại nơi mà mình mong muốn thay vì theo sắp xếp của nhà tuyển dụng…

Chưa dừng ở đó, khi các thủ tục phỏng vấn và thỏa thuận thử việc đã được ký kết giữa người lao động và sử dụng lao động thì cũng phát sinh nhiều tình huống dở khóc dở cười. Chuyện đến ngày nhận việc không thấy ứng viên đâu, làm 2,3 ngày bỏ ngang không lý do, không nói một lời từ biệt, điện thoại không bắt máy, khóa máy…Và đến khi nhân sự liên hệ được thì nhận câu trả lời không thể buồn hơn: “em thấy công việc chán, không hợp với năng lực của em”,  “em có việc khác lương cao hơn…”

Vẫn biết rằng gia đình, con cái, công việc và các mối quan hệ, gặp gỡ có gắng bó lâu dài hay không còn phụ thuộc vào chữ “duyên”, nhưng rõ ràng bất cứ mối quan hệ nào cũng phải từ 2 phía. Tôi cần bạn và bạn cần tôi – Tôi cống hiến và tôi xứng đáng được nhận đãi ngộ - Nhà tuyển dụng cần ứng viên, tôn trọng ứng viên và ứng viên thực sự nghiêm túc với công việc mình ứng tuyển thì mới hợp tác lâu dài. 

Diệu Phương

TAG:

Ý kiến của bạn