Người quản lý phải biết cách đặt câu hỏi đúng. Nhưng để trở thành quản lý giỏi, bạn phải biết cách đặt câu hỏi thông minh. Chứng kiến cách đặt câu hỏi của một người anh em trong vai trò quản lý sản xuất của công ty, tôi giật mình và nhận ra có một phần trách nhiệm của mình. Ở vai trò lãnh đạo, tôi đã thiếu sót khi để tình trạng đội ngũ quản lý trong ban điều hành chưa có cùng nhận thức với mình.
Nhân lực (manpower) là nguồn lực về con người, hay còn gọi là lực lượng lao động – nguồn vốn con người. Theo Liên hiệp quốc: “Nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và của đất nước. Trong một tổ chức, nguồn nhân lực chính là tất cả những con người (nhân sự) được tuyển dụng và sắp xếp vào các vị trí công việc phù hợp. Những con người này cần hội đủ 03 yếu tố căn bản về thái độ, kiến thức và kỹ năng để đảm bảo hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ công việc được giao phó, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung. Trong một số giai đoạn nhất định, vì những lý do chủ quan và khách quan, tổ chức có thể thiếu nhân sự ở một hoặc một số vị trí; hoặc một số nhân sự không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Việc bổ sung các nhân sự này có thể thực hiện bằng quá trình tuyển dụng hoặc đào tạo lại một cách thông thường, và nhà lãnh đạo không gặp trở ngại gì trong quá trình này ngoại trừ vấn đề thời gian phù hợp. Đây được gọi là thiếu nhân lực, tức nguồn nhân lực bị thiếu về số lượng và chất lượng. Thiếu nhân tài hay hiền tài lại là tình trạng khác.
Nhân tài (talent) là cụm từ đề cập và đề cao những người không chỉ giỏi trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó, mà còn có khả năng dẫn dắt và phát triển người khác thông qua năng lực, cam kết và những giá trị mà họ xây dựng và theo đuổi cả ở khía cạnh vật chất lẫn tinh thần thông qua những cảm xúc thăng hoa và viên mãn từ những gì họ kiến tạo và cống hiến.
Với lý thuyết 3C Talent Formula (Nhân tài 3C), Giáo sư Dave Ulrich của Đại học Michigan (Hoa Kỳ) - người được coi là “bộ óc số 1 thế giới” về nhân sự - đã vẽ lại một cách hoàn hảo chân dung người tài của thời đại mới. Đó là: Talent = Competence*Commitment*Contribution (Nhân tài = Năng lực*Cam kết*Cống hiến). Ở đây, các thành tố được kết nối với nhau theo cấp số nhân chứ không theo cấp số cộng. Theo đó, những khiếm khuyết hoặc thiếu hụt trong nguồn nhân lực ở những vị trí mà việc tìm kiếm người phù hợp để thay thế là điều không dễ với nhà lãnh đạo thì đó là thiếu hụt nhân tài.
Một tổ chức muốn phát triển theo hướng khuếch trương quy mô nhằm nâng cao năng lực sản xuất hay hướng đến sự đa dạng hóa sản phẩm thì việc ổn định và bổ sung nguồn nhân lực và nhân tài là điều tiên quyết, nhằm đảm bảo đủ nguồn lực để vận hành các hệ thống theo tiêu chuẩn toàn cầu, như quản lý chất lượng ISO, trách nhiệm xã hội SA, vệ sinh an toàn thực phẩm FSSC, hoặc phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP – những nền tảng làm bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Và, sau khi có được nhân tài (bằng tuyển dụng hoặc tự bồi dưỡng) rồi, câu chuyện tiếp theo của doanh nghiệp là giữ chân họ, bằng những chính sách (bao gồm cả quyền lợi vật chất và tinh thần) phù hợp. Nếu không “nguồn tài nguyên” này có thể dần bị cạn kiệt.
Những người ở vị trí quản lý và lãnh đạo trong tổ chức, để trở thành những nhân tài thực sự, không nên chỉ điều hành và giải quyết công việc hằng ngày bằng chuyên môn mình có, mà cần biết cách tổ chức phân công, ủy thác, giám sát, đánh giá và đo lường mức độ hoàn thành công việc của cấp dưới thông qua khả năng học tập, phát triển và dẫn dắt bản thân; đồng thời truyền cảm hứng, tạo động lực phát triển cho đội ngũ. Ngoài chuyên môn là yếu tố cần, chính năng lực, sự cam kết và tinh thần cống hiến sẽ là đòn bẩy thúc đẩy sự tương tác và hợp tác giữa các cá nhân trong một tổ chức. Những nhân sự chỉ thực hành chuyên môn một cách máy móc, tổ chức công việc theo bản năng, ra những quyết định thiếu cơ sở thì không bao giờ có thể trở thành nhân tài, và cũng sẽ không thể tạo ra môi trường để giữ chân người tài được.
Bác Hồ đã nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Trong một tổ chức nhỏ, như doanh nghiệp, nhân tài chính là vốn quý, là tài sản hữu hình mà tất cả các thành viên đều có trách nhiệm giữ gìn, bồi đắp và bổ sung.
NHQ
TAG: