Mỗi người trong chúng ta đều có cuộc sống riêng và đều phải tự giải quyết những mối quan hệ xã hội cho bản thân bằng nhiều hình thức khác nhau. Hôm nay ra đường vô tình va quẹt xe với người lạ, sau một hồi phân bua phải trái có thể ta lại có thêm người bạn mới sau đó. Hoặc trong một dịp nghỉ mát, sáng ra ta bỗng dưng thấy nhiều người sao hợp ý hợp tình đến vậy và dần phát triển thành tình bạn lâu bền, thấy yêu đời hoặc bớt lo âu vì một chuyện nào đó.
Gia đình cho ta cả thế giới của sự suy nghĩ, lo toan và bao điều phức tạp buộc ta phải tự mày mò đi tìm sự thích nghi. Láng giềng mở ra sự quan tâm xen lẫn ganh ghét và đôi khi là cả sự bực bội. Tình yêu mang đến sự thăng hoa nhẹ nhàng nhưng cũng có thể báo trước sự khổ đau triền miên. Tiền bạc, danh vọng làm ta tươi tỉnh trước thiên hạ để rồi sau đó có thể là sự mệt mỏi, chán chường kéo dài… Cuộc sống là thế! Nó bao hàm những cặp phạm trù mang tính tương đồng về mặt thể hiện nhưng lại đối lập nhau hoàn toàn về bản chất, chúng luôn song song tồn tại trong thế giới này, chúng hiện hữu ở ý thức lẫn vô thức tùy cách nhìn nhận của mỗi người: Được và Mất, Đến và Đi, Cho và Nhận, Kết hợp và Chia rẽ, Thất bại và Thành công v.v...
Trong phạm vi bài viết, người viết chỉ tập trung vào khái niệm “trách nhiệm” của cá nhân đối với mối quan hệ động là đồng nghiệp / đồng sự và với mối quan hệ tĩnh là công việc. Nói nôm na, một người đôi khi muốn thể hiện mình trước người khác không gì bằng lời nói bóng bẩy, nghe ra thật quá dễ dàng, nhưng nếu nhìn hình ảnh phản chiếu qua việc làm của họ đôi khi trái ngược đến khó chịu, đơn giản vì bản tính con người ta ít khi chịu hạ mình và e ngại bị đánh giá là thấp kém, là thiếu năng lực. Một việc nếu để xảy ra sai sót thông thường cứ tìm cách quăng cho người khác giải quyết, thế là xong. Một mối quan hệ giữa hai người căng thẳng thì có hai trường hợp, một là im lặng “dĩ hòa vi quý” chờ tới đâu hay tới đó, hai là vận dụng từ ngữ đối đầu, đổ lỗi cho nhau. Một công việc nếu lặp đi lặp lại thường xuyên thì trong tiềm thức người thực hiện tự nghĩ rằng bản thân có thừa kinh nghiệm biến nó thành đơn giản nên việc gì phải tốn công sức hoặc chú ý giám sát, kiểm tra. Hậu quả của sự chủ quan này là sai sót đáng tiếc. Đó là kết quả của sự thiếu trách nhiệm của cá nhân trong xử lý công việc. Hành vi đó nếu cứ xảy ra hằng ngày sẽ để lại hậu quả lớn khi trở thành thói quen, thành nếp nghĩ bình thường.
Nếu có lòng tự trọng và ý thức đến các mối quan hệ động và tĩnh xung quanh cũng như nỗ lực với công việc đang đảm nhiệm dù lớn hay nhỏ, dù kết quả có khả quan hay không thì bản thân chúng ta sẽ thấy sau một ngày làm việc dù công sức và thời gian bỏ ra có thể nhiều hơn nhưng bù lại là sự thanh thản vì đã làm tròn “trách nhiệm công việc” và biết đâu nhận được những nụ cười hàm ơn phía sau của những đồng nghiệp.
Hãy có trách nhiệm với chính mình và mọi người bằng chính hành động tích cực và cách cư xử đúng mực trong công việc, có vậy ta sẽ tiến bộ hơn dưới con mắt mọi người.
Gia Tài
TAG: