Giá trị của mỗi con người trong cuộc sống nằm ở đâu? Chắc chắn không phải là vẻ bề ngoài được thể hiện với quần áo, mũ nón, giày dép… Cho dù vẻ bề ngoài có lộng lẫy, đẳng cấp và sang trọng như thế nào, cũng không thể làm biến đổi con người thực sự bên trong của bạn.
Ai cũng có quyền khát khao cuộc sống đầy đủ.Có rất ít người sinh ra đã “ở vạch đích”, đã là “người chiến thắng”. Vì thế, nhiều người trong chúng ta cũng đã từng ước mơ được giàu có, xinh đẹp và lộng lẫy như hình mẫu mà mình thần tượng. Nhiều người lại ao ước mình sẽ từ “cô bé lọ lem” biến thành một “nàng công chúa”, hay từ một “cậu bé chăn cừu” trở thành “chàng hoàng tử” cái gì cũng có. Trong khi nhiều người vẫn ngày đêm đi tìm giá trị thật sự của chính mình trong cuộc sống.
Khi chúng ta có được điều mà mình muốn, cảm xúc lúc đó sẽ là thỏa mãn, vui thích.
Một vẻ ngoài hào nhoáng, xinh đẹp, lộng lẫy chắc chắn sẽ thu hút nhiều ánh nhìn, ngưỡng mộ có, hiếu kỳ cũng có, và có thể bao gồm cả sự đố kỵ. Sau đó, người ta sẽ dần quên mất bạn đã từng xinh đẹp, đã từng giàu có như thế nào. Để rồi, bạn có thể rơi vào cô đơn, lạc lõng, sống trong tự ti và lại khát khao được người ta chú ý.
Việc chăm chút bên ngoài, làm đẹp cho bản thân mình không hề xấu, thực chất nó còn là một việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, bạn đừng bao giờ ngộ nhận vẻ đẹp bên ngoài và giá trị thật sự bên trong của mình. Không thể lấy hình thức bên ngoài làm thước đo để đánh giá giá trị của mỗi con người trong cuộc sống.
Giá trị của mỗi con người trong cuộc sống là gì?
Giá trị đích thực của mỗi con người trong cuộc sống không nằm ở việc bạn sở hữu bao nhiêu tủ quần áo, bao nhiêu đôi giày, giỏ xách hiệu nào, ngôi nhà lớn và đẹp đến đâu, xe xịn như thế nào… Những điều này chỉ nói lên giá trị đồng tiền trong cuộc sống, bạn có điều kiện kinh tế khá hơn so với những người khác mà thôi.
Nói tóm lại, những vật chất xa hoa bên ngoài chỉ giúp bạn thỏa mãn trong các nhu cầu sinh hoạt của cuộc sống chứ nó không thể cho mọi người biết được bạn là ai, giá trị của bạn như thế nào trong cuộc sống.
• Giá trị của mỗi người nằm ở bằng cấp?
Bằng cấp chỉ chứng minh được bạn đã học tập như thế nào, trau dồi kiến thức trong trường học ra sao. Thậm chí bằng cấp còn không thể hiện được kinh nghiệm và kết quả công việc mà bạn đảm nhiệm.
Trái lại, nhiều người không được đào tạo chính quy nhưng lại thành công ở nhiều lĩnh vực, khiến người khác kính nể. Vì thế, bằng cấp chưa thật sự nói lên giá trị của một người.
• Quyền lực làm nên giá trị cho con người?
Thoạt nhìn có thể thấy, người có quyền lực sẽ “có tiếng nói”, được săn đón, đối đãi tử tế và mọi người không dám làm mất lòng.
Tuy nhiên, quyền lực là một thứ gì đó rất phù phiếm, vì hôm nay bạn nắm mọi quyền lực trong tay, nhưng chưa chắc ngày mai, ngày kia hay một thời gian sau bạn vẫn giữ được quyền lực của mình.
Nếu cho rằng giá trị của một người trong xã hội nằm ở quyền lự vậy khi một người hết quyền lực thì tức là giá trị của họ cũng không còn?
• Giá trị của một người nằm ở nhận xét, đánh giá của người khác?
Bạn cũng có thể cho rằng giá trị của một người trong cuộc sống dựa vào đánh giá, nhận xét từ những người xung quanh. Tuy nhiên điều này chưa hoàn toàn đúng, vì những ai quý bạn, có thiện cảm với bạn thì họ sẽ đánh giá bạn theo hướng tích cực. Ngược lại, nếu ngay từ đầu bạn đã làm cho họ cảm thấy khó gần, chướng mắt thì lời đánh giá về bạn của họ có thể sẽ cay nghiệt. Vì thế, những lời khen, những lời chê từ mọi người chưa phải là thước đo chính xác nhất về giá trị của bạn trong cuộc sống.
Vậy giá trị của mỗi con người trong cuộc sống nằm ở đâu?
Giá trị của mỗi con người trong cuộc sống được thể hiện rõ nhất khi bạn là chính bạn. Không một điều gì, không ai có thể làm bạn thay đổi giá trị con người thật của mình.
Giá trị của bạn trong cuộc sống nằm ở: Trí tuệ, tâm hồn, đạo đức, nhân phẩm, kỹ năng sống, cách ứng xử, giao tiếp… Có lẽ bạn thấy những giá trị đề cập trên đây có phần nhàm chán, sáo rỗng nhưng từ muôn đời nay, nó vẫn là thước đo chuẩn xác nhất về giá trị của một con người.
Người biết được giá trị của mình ở đâu, tu dưỡng và rèn luyện giá trị nào trở nên hoàn thiện, duy trì giá trị cốt lõi nào của bản thân chỉ có thể là chính bạn.
Giá trị của mỗi người nằm ở cách mà bạn cống hiến cho cuộc sống, những điều ý nghĩa mà bạn làm ra.
Bạn hãy thử nghiêm túc suy nghĩ về những vấn đề sau:
• Trong khối gia sản mình đang có thì phần nào do mình tự làm, phần nào là được thừa hưởng?
• Để có tấm bằng, giấy chứng nhận về một thành tích thì bạn đã phải bỏ thời gian, công sức như thế nào?
• Địa vị và quyền lực mà bạn đang giữ có xứng đáng hay không? Làm sao bạn mới có được như ngày hôm nay?
• Bạn đã từng giúp đỡ ai điều gì và từng đón nhận một lời góp ý từ ai để thay đổi hay chưa?
Sau khi trả lời được những câu hỏi trên, bạn sẽ biết giá trị của mình, và cũng biết phải làm thế nào để tạo dựng, giữ gìn và gia tăng giá trị của bản thân.
Ngọc Duyên (st)
TAG: