Tham gia WTO và thực hiện các cam kết về tự do thương mại với các nước vùng Đông Nam Á (AFTA) đang triển khai đồng bộ đồng nghĩa với việc giảm thuế suất các dòng thuế tương ứng theo từng giai đoạn. Gần đây nước ta chuyển sang giai đoạn hội nhập sâu vào các nền kinh tế cụ thể bằng những khu vực tự do thương mại (Free Trade Area – FTA) với từng nước có quan hệ kinh tế tốt thời gian qua. Ngày 05/5/2015, hiệp định thương mại tự do Việt nam – Hàn quốc (VKFTA) chính thức được hai nước ký kết sau hơn 2 năm đàm phán với 8 vòng đàm phán chính thức và 8 vòng đàm phán cấp Trưởng đoàn. Theo Bộ Công Thương “…về kinh tế, thương mại, đầu tư, tương tự như nội dung cam kết WTO hay các FTA khác mà Việt Nam đã tham gia hoặc đang đàm phán, việc ký kết Hiệp định VKFTA sẽ giúp hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội một cách hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững”.
Như vậy, về nguyên tắc Hàn quốc bắt đầu mở rộng cửa cho hàng xuất xứ từ Việt Nam với sự ưu đãi của các dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí... mà trước đây chúng ta rất khó khăn khi thâm nhập vào thị trường này. Đây là cơ hội cho DN Việt Nam tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Ngược lại, nước ta cũng phải cam kết cắt giảm các dòng thuế cho hàng hóa nhập khẩu từ Hàn quốc chủ yếu các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô-tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện... Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác.
Trước mắt, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh nhờ sự hỗ trợ từ phía đối tác, có điều kiện liên kết kinh doanh và tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến từ phía Hàn quốc. Theo tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng – ĐHKTQD thì: “Hiệp định VKFTA dự báo cũng sẽ đem lại những lợi ích xã hội tích cực nhờ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam, nâng cao thu nhập, đặc biệt của nhóm lao động phổ thông, lao động không có tay nghề cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn. Mặt khác, góp phần giảm bớt sự lệ thuộc của Việt Nam vào một thị trường nào đó, giảm bớt nguy cơ gặp rủi ro trong điều kiện thế giới có sự biến động khó lường”. Và ông cũng nhấn mạnh những thách thức: “Xu hướng tự do hóa thương mại thể hiện ở việc nhiều đối tác đến từ các nước khác nhau cũng tham gia vào thị trường Việt Nam sẽ làm tăng tính đa chiều của cạnh tranh, tạo ra một mức độ đào thải cao đối với DN trong nước, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, các cơ quan quản lý sẽ đứng trước thách thức phải quản lý những đối tác có nhiều kinh nghiệm và khả năng thích nghi cao ở Việt Nam. Do đó, nếu hệ thống quản lý hành chính hiện tại không kịp thời đổi mới có thể trở nên kém hiệu quả, không đáp ứng được các cam kết về tạo điều kiện cho giao dịch hay cung ứng dịch vụ công”.
Tương lai gần nếu không bị các rào cản (phòng vệ thương mại) can thiệp thì sắp tới dân ta được lợi mua hàng rẻ khi giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu xuất xứ từ đất nước Kim Chi sẽ giảm. Riêng các doanh nghiệp, hộ cá thể trong nước nếu có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này thì phải cần định hướng rõ ràng hơn về đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến chất lượng sản phẩm, tăng chất lượng phục vụ kể cả nghiên cứu thị trường Hàn quốc nhằm tạo cơ hội liên kết với các doanh nghiệp Hàn quốc để hưởng lợi từ mạng lưới phân phối có sẵn, thế mạnh về thương hiệu, thị trường. Về đường lối chung, các cơ quan hữu quan cần hỗ trợ thông tin cũng như hậu thuẩn hành lang pháp lý khi cần thiết để rộng đường cho hàng hóa Việt khi xuất vào thị trường Hàn quốc.
Xem ra việc hội nhập kinh tế sâu thông qua các hiệp định FTA mà sắp tới là các vòng đàm phán FTA - EU (liên minh Châu Âu), FTA - Đài Loan… hẳn mức độ giao thoa giữa các nền kinh tế sẽ rộng, làm tăng tính cạnh tranh ở một mức cao mà ngay từ bây giờ nếu doanh nghiệp chúng ta không có sự cách tân hẳn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn.
Chiến Binh
TAG: