Chuyện không có gì phải bàn nếu ai đó bất chợt một hôm nắng nhẹ, gió vàng, trong lòng có chút ít văn phong từ ngữ bỗng muốn ghi lại cảm xúc và trải nghiệm của chính mình qua những ý văn. Cái “lạ” mà tôi muốn nói ở bài viết này là thứ cảm xúc, trải nghiệm của tác giả cứ thong thả đi qua từng trang viết, đôi lúc ngẫu hứng bằng các câu chuyện ngắn mang hơi thở đời thường lại xuất phát từ CEO nữ của một công ty đang sản xuất kinh doanh tốt nhất thuộc tập đoàn New Toyo tại Việt Nam.
Qua lời tự sự chân tình và những ai đã từng nhiều năm làm việc cùng chị những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước đều biết rõ chị tiến thân chỉ từ một nhân viên văn phòng bình thường cho đến khi đảm nhận cương vị cao nhất của một công ty vốn đầu tư nước ngoài. Đó là thành quả của sự làm việc miệt mài, mẫn cán với thời gian biểu dày đặc lịch họp, gặp gỡ đối tác, bận rộn với những chuyến công du tìm kiếm thị trường xen lẫn những đêm mất ngủ cho kế hoạch “vượt sóng” của công ty… So với sức vóc của một người phụ nữ, đảm đương việc công ty và việc nhà đã chiếm hầu hết thời gian trong ngày thì việc ấp ủ và cho ra đời cuốn sách “Phép màu để trở thành chính mình” chỉ trong vòng mấy tháng quả tình làm tôi và chắc hẳn nhiều đồng nghiệp khác hết sức ngạc nhiên và ngưỡng mộ.
Cuốn sách phân thành 3 Chương có chủ đích rõ ràng với những câu chuyện mang dáng vẻ đời thực nên đi vào lòng người đọc một cách tự nhiên như cái tâm vốn có của người viết. Câu chữ chẳng cần trau chuốt, cầu kỳ mà xem ra vẫn mượt mà, có sức lan tỏa bởi ý tứ nhẹ nhàng. Kết thúc mỗi câu chuyện lại được tác giả khuyến mãi thêm phần “suy ngẫm mỗi ngày” như thổi một làn gió lạ vào trang giấy khiến người đọc đôi khi phải tự gấp sách để mà chiêm nghiệm lại quá khứ đời mình rồi hoàn thiện thêm cách sống.
Có ai trên thế gian lại không cầu mong một cuộc sống an lành, hạnh phúc? Có ai lại muốn từ chối niềm vui do người khác mang đến? Có ai chẳng muốn sẻ chia những lo toan, bất hạnh của đồng loại?... Nhưng đường đời mấy ai được trọn vẹn như mong ước nếu không có được sự tu dưỡng, phấn đấu và niềm tin đến từ một phép màu bằng chính khả năng học và hành của bản thân?
260 trang không phải quá dài cho một cuốn sách dạng tùy bút nhưng cũng đủ thấy được nỗ lực muốn lưu lại phần nào những giá trị nhân văn cốt lõi, lối sống đạo đức và ý chí cầu thị của tác giả.
Tôi muốn lấy câu cuối cuốn sách “Phép màu để trở thành chính mình” của chị Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc công ty New Toyo (Việt Nam) để làm động lực trong công việc: “Hãy luôn nghĩ tốt và sống tích cực, xã hội luôn cần những con người như thế!”.
Tâm Can
TAG: