Kết thúc chuỗi công tác liên hoàn, bằng cả tàu bay lẫn ô tô, để thăm viếng và chúc tết các khách hàng từ thủ đô Hà Nội đến Thanh Hóa, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, rồi tiếp đến 6 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long (Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ), tôi hối hả trở về Công ty, đặng kịp xem xét kết quả thi đua và duyệt chi thưởng Tết cho anh em trước ngày 23 tháng chạp (đây là một cam kết nằm lòng của cá nhân tôi và đã duy trì được hơn 20 năm), cũng như xem xét và giải quyết việc tưởng thưởng cho những người làm công tác dịch vụ ở Công ty (như các vị trí bảo vệ, lái xe, làm vườn, tạp vụ...). Thông thường, hình thức thưởng ngoại lệ ở Công ty chúng tôi là phiếu mua hàng.
Không khí những ngày giáp Tết ở Công ty khá sôi động, mọi người đều hồ hởi xắn tay áo, ống quần để làm tổng vệ sinh. Trong khi tôi đang chăm chú đọc tài liệu tại phòng làm việc, cửa xịch mở, một nữ công nhân ở vị trí lau dọn vệ sinh nhà bếp xông thẳng vào, không gõ cửa, cũng chưa từng có đăng ký cuộc gặp trước đó. Tôi hơi bất ngờ, càng thắc mắc trước vẻ giận dữ của chị, bởi trong thâm tâm tôi nghĩ mọi việc cũng đã được chu toàn và mọi người có thể hoan hỷ nhận quà nhu yếu phẩm và tiền thưởng tết về nhà sum vầy đón tết cùng gia đình.
“Em bức xúc với ông giám đốc hành chánh nhân sự vì trước đó ổng nói chia cho em được số phiếu mua hàng bằng chừng đó nhưng rốt cuộc giảm còn 1/5”- nữ công nhân này cất giọng quãng tám với khuôn mặt đằng đằng sát khí.
“Có việc gì bức xúc thì qua công đoàn hoặc phòng hành chánh nhân sự để phản ảnh trước”, tôi nhẹ nhàng khuyên.
“Không! Em quăng thẳng phiếu vô mặt ổng, không thèm lấy!”. Có câu “giận quá mất khôn”. Nữ công nhân này quả là đã mất khôn khi không nhận biết cái mình được cho thêm là những gì mà nhiều người khác không có, mất khôn khi không kềm chế lời ăn tiếng nói trong giao tiếp, nhất là với cấp trên của mình.
Chứng kiến thái độ vô ơn của cô ấy, tôi mong không tái ngộ với người này sau kỳ nghỉ tết. Thật đáng tiếc, bởi cô sắp đủ điều kiện (cán mốc 15 năm phục vụ) để lĩnh cuốn sổ tiết kiệm thứ 2 của Công ty.
Trong cuộc sống này, để giải quyết chuyện cơm áo gạo tiền, hầu hết chúng ta đều phải lao động và phấn đấu, phấn đấu hơn ngưỡng bình thường, phải dám bước ra khỏi vùng thoải mái, đóng góp một phần trí tuệ và công sức cá nhân để tạo nên thành quả chung của tổ chức, rồi hãnh diện nhận lấy phần thưởng xứng đáng với những đóng góp của mình.
Tôi rất tâm đắc với câu nói của ông Jim Rohn – doanh nhân, tác giả, diễn giả người Mỹ rằng: “Cuộc sống được tạo ra để bạn nhận những gì bạn xứng đáng chứ không phải những gì bạn muốn”. Cái muốn ở đây hàm ý chỉ sự đòi hỏi.
Hãy sống và làm việc với tinh thần cầu thị, đừng so đo, chớ phân bì, đó là thông điệp đầu năm mà tôi muốn nhắn gửi đến mọi người - những người anh em sẽ tiếp tục chuyến hành trình mới cùng với tôi để xây dựng những giá trị vật chất lẫn tinh thần cho tập thể. Thay vì so sánh những gì bạn nhận được với những thứ bạn mong muốn để rồi cảm thấy không thoả mãn, hãy xem những gì nhận được là xứng đáng với mình, bạn sẽ được sống trong cảm giác hài lòng, hạnh phúc.
NHQ
TAG: