Hồi nhỏ, tôi hay nghe ba nói “tiền sinh ra tiền!”. Ông không giải thích gì thêm. Với khả năng hiểu biết của một đứa học sinh chưa học hết phổ thông, tôi thực sự chẳng hiểu ý ba tôi muốn truyền đạt là gì, thậm chí tôi còn nghi ngờ chuyện “tiền sinh ra tiền” có vẻ hoang đường...
Theo năm tháng, tôi dần trưởng thành hơn, tự ý thức về việc hình thành và nuôi dưỡng những thói quen tích cực, có những chiêm nghiệm tự đúc rút từ trải nghiệm cuộc sống của chinh mình, đến một ngày tôi đã lý giải được hàm ý của ba tôi, về chuyện “tiền sinh ra tiền”.
Ngay từ nhỏ, tôi đã biết tiết kiệm, biết tìm hiểu và ứng dụng đúng về giá trị của từng loại đồ vật khác nhau. Chẳng hạn, rác thải trong nhà tôi phân loại để bán ve chai từng loại theo giá đúng của nó, cơm cháy được phơi khô để mang đi chợ Xóm Củi bán cho những người nuôi gia súc gia cầm, mùa hè tôi đăng ký đi phụ thầy cô bán hàng ở căn tin của trường. Những món tiền lẻ góp nhặt được bỏ tất cả vào con heo đất, “vỗ béo” nó để dành sử dụng khi cần. Tôi không mua sắm những thứ không thực sự cần thiết. Đó là nguyên tắc quản lý tiền đầu tiên của tôi.
Sau khi tích góp được số tiền kha khá, tôi mang đi gửi tiết kiệm có kỳ hạn để kiếm thêm tiền từ lãi suất tiền gửi. Và khi đến kỳ đáo hạn tôi lại tái tục tiền gốc cộng thêm tiền lãi để đi tiếp một kỳ hạn mới. Cứ thế lãi chồng lãi… Khi gặp cơ hội tốt, tiền sẽ được chuyển thành tài sản, bất động sản. Đây là nguyên tắc thứ 2.
Tôi bỏ tiền ra để mua phương tiện và công cụ nhằm tăng tần suất dạy sinh ngữ và kiếm thêm thu nhập từ nghề tay trái. Ngoài khoản thu nhập căn bản từ làm công ăn lương, tôi nhận may áo và túi vải cho bạn bè, người quen. Tôi đầu tư vào việc học cho bản thân, từ kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc cho đến tăng cường vốn sinh ngữ và tìm mua những đầu sách hay để đọc. Tôi mang những thương phẩm có thương hiệu từ nước ngoài về cung cấp cho thị trường nội địa hướng đến sức khoẻ con người, thân thiện môi trường. Tôi không làm một công việc duy nhất, nên thu nhập của tôi đến từ nhiều nguồn. Đó là nguyên tắc thứ 3.
Và khi tôi đã hoàn toàn chủ động về mặt tài chánh song song với việc tìm thấy sự đam mê và không gian phát huy những tố chất và khả năng thông qua công tác điều hành doanh nghiệp và lãnh đạo con người, tôi không đặt giới hạn cho việc phát triển bản thân và những người khác. Đó chính là nguyên tắc thứ 4.
Bằng trải nghiệm của chính mình, tôi đã tự đúc kết được công thức để “tiền sinh ra tiền”:
Tiền sinh ra tiền = Tiết kiệm + nỗ lực + đầu tư vào bản thân và người khác + tiếp tục nỗ lực
Mỗi người sẽ có cách riêng để kiếm tiền và làm cho đồng tiền sinh sôi nảy nở theo khả năng và hoàn cảnh của riêng mình, nhưng tôi tin rằng những ai đã có khả năng độc lập về mặt kinh tế, tự chủ về mặt tài chánh đều sẽ có những điểm tương đồng trong cách kiếm tiền và sử dụng đồng tiền. Điều quan trọng là họ tự đặt ra những nguyên tắc cho mình, và theo đuổi suốt đời.
Doanh nhân người Mỹ Jim Rohn đã nói: “Nếu bản thân bạn không có giá trị, bạn sẽ không kiếm được nhiều tiền. Trở thành con người có giá trị là chìa khóa để thành công”.
NHQ
TAG: