DOANH NHÂN SÀI GÒN GIAO LƯU VỚI SINH VIÊN ĐẠI HỌC HOA SEN

Thứ tư, 09/03/2011, 12:07 GMT+7
DOANH NHÂN SÀI GÒN GIAO LƯU VỚI SINH VIÊN ĐẠI HỌC HOA SEN

DOANH NHÂN SÀI GÒN GIAO LƯU VỚI SINH VIÊN ĐẠI HỌC HOA SEN

Nhận lời mời của Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài gòn, ngày 9/4/2011, bà Nhan Húc Quân – Tổng Giám Đốc công ty New Toyo (Việt Nam) cùng ông Lại Minh Duy – Tổng Giám Đốc công ty du lịch TST và ông Trần Anh Tuấn – Giám Đốc điều hành công ty tư vấn The Pathfinder đã đến trường Đại học Hoa Sen – cơ sở 7 tại Tp. Hồ Chí Minh để tham gia giao lưu với hơn 120 sinh viên đang theo học các ngành. 

Buổi giao lưu có tính chất “người thật việc thật” này là một trong số các chương trình nằm trong khuôn khổ giới thiệu “Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can” dành cho sinh viên do báo Doanh nhân Sài gòn phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nhân Sài gòn tổ chức từ tháng 3/2011 nhằm tìm kiếm tài năng và là bước đệm để sinh viên có cơ hội đến gần hơn với các doanh nghiệp trong tương lai.

GL1

Nội dung buổi giao lưu xoay quanh vấn đề về “đạo làm giàu và đạo đức” trong giới kinh thương của doanh nhân Lương Văn Can nói riêng thuở xưa và các doanh nhân Việt Nam ngày nay có điểm gì giống và khác nhau.

Theo bà Quân, doanh nhân thời nay đã nhận thức rõ vị trí và vai trò đóng góp của mình với xã hội là lẽ phải có, phải biết “vị dân” mà phục vụ cho cộng đồng chứ không nên quá chú trọng đến lợi nhuận mà bỏ quên lợi ích chung. Ông Tuấn góp lời bằng các dẫn chứng sinh động trực quan qua câu chuyện kể về mục tiêu của các “đại gia” ngành công nghệ thông tin thế giới, ví như Google chỉ với mục tiêu là: “Tổ chức thông tin cho thế giới tìm thông tin” chứ không như mục tiêu của một số công ty Việt Nam luôn nhấn mạnh đến lợi ích bản thân, thường là “đem lại lợi nhuận cho cổ đông”. Khi nói về quan điểm và tầm nhìn thì quả thật chúng ta còn thua kém những doanh nhân thế giới bởi họ luôn có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng xã hội. Nghe Henry Ford – cha đẻ của một trong những tập đoàn xe hơi lớn nhất thế giới nêu giá trị cốt lõi của bản thân là “dân chủ hóa xe hơi” với ý nguyện tạo ra nhiều sản phẩm rẻ, bền phục vụ vì lợi ích mọi người, ai cũng có xe hơi.

GL2

Không khí trong hội trường bắt đầu nóng lên khi nhiều sinh viên đặt câu hỏi thắc mắc và được các doanh nhân trả lời một cách chân thành, cởi mở và luôn có định hướng. Trả lời câu hỏi: “Có mâu thuẩn không khi nói rằng phải thể hiện đạo đức trong kinh doanh với lợi nhuận mà doanh nghiệp cố tìm kiếm?”. Bà Quân với tư cách là nữ doanh nhân tiêu biểu 4 năm liền của thành phố không ngần ngại chia sẻ: “Hiện lãnh đạo và toàn thể nhân viên công ty New Toyo (Việt Nam) đang thực hiện từng bước chính sách từ chối nhận quà biếu của các đối tác trên mọi phương diện và đó là việc cần phải làm trong việc công khai minh bạch về tư cách đạo đức”. Giải thích thêm về lời phản biện của một nữ sinh viên: “Nói hoàn toàn không nhận quà biếu của đối tác, khách hàng thì mình đem đi biếu tặng có bị cho là bất hợp lý?” – bà Quân cho rằng: “Cần phải phân định rõ loại quà biếu nhằm mục đích giao hữu theo truyền thống Á Đông với loại quà biếu có tính chất mưu lợi kèm theo”. Hai diễn giả - ông Duy và ông Tuấn cũng đóng góp thêm một số ý kiến nhằm mở rộng quan điểm về vấn đề này là đạo đức luôn tỷ lệ thuận với lợi nhuận thu được và nhấn mạnh đến sự gương mẫu của người lãnh đạo.

Nhìn chung, không khí buổi giao lưu về cuối càng trở nên gần gũi hơn khi các diễn giả kể lại bước đầu khởi nghiệp của bản thân và ý chí vượt khó để đạt được thành công như ngày hôm nay. Sinh viên đã thật sự xúc động và có niềm tin hơn trước cuộc sống đầy khắc nghiệt và còn nhiều khó khăn hiện nay để tự mình cố gắng vươn lên và hoàn thiện từ sau buổi giao lưu này.

Ban biên tập

TAG:

Ý kiến của bạn