Người xưa có câu: “Ở hiền thì gặp lành” - đó là sự đúc kết từ chính những trải nghiệm trong cuộc sống lẫn công việc của ông cha ta. Tuy nhiên, kinh nghiệm quý báu ấy dường như chưa được xã hội ngày nay trọng thị để lấy làm “kim chỉ nam” trong cách đối nhân xử thế. Nhiều người lầm tưởng rằng ở hiền tức là không nên để ý đến những gì xảy ra xung quanh, không cần phản bác lại ngay cả những gì mà mình thấy “chướng tai gai mắt”, là mặc kệ ai muốn làm sao thì làm...
Không ít người cho rằng “ở hiền” sẽ trở nên nhu nhược, yếu thế, sẽ trở thành kẻ hay bị bắt nạt hoặc thành trò cười cho thiên hạ... Trong cuộc sống, ta thường bắt gặp hiện tượng “ông bỏ chân giò, bà thò chai rượu”, tức là người ta chỉ tử tế với người tỏ ra tử tế với mình. Ở đó, lòng tử tế được đặt trên bàn cân, nó tỷ lệ thuận với cái “được” và tỷ lệ nghịch với cái “mất” của từng cá nhân.
Vậy thì, lòng tử tế là gì? Nó có vai trò gì trong cuộc sống? Lòng tử tế mang lại gì cho người có nó?
Bản thân tôi cho rằng, lòng tử tế chính là thái độ luôn biết ơn và trân trọng những gì mình đang có; không ăn miếng trả miếng; không xem sự giàu sang của người khác là chuyện bất công với chính mình; thích làm những việc mang lại niềm vui hay lợi ích cho người khác; biết nhân nhượng, nhường nhịn, lắng nghe để tìm lẽ phải thay vì tranh cãi để giành phần thắng; biết chia sẻ những gì mình có với những người đang cần, từ vật chất đến kiến thức, kỹ năng. Trong kinh doanh, lòng tử tế thể hiện ở thái độ hợp tác với quản lý trong việc tuân thủ các quy trình về báo giá cạnh tranh, minh bạch giá cả và trung thực với việc kê khai - những điều tưởng chừng dễ nhưng đôi lúc lại rất khó với những người không sẵn lòng tử tế. Những người không sẵn lòng tử tế đôi lúc không phải vì họ đói, họ khổ mà là trong tâm trí của họ có “hàng tá” những lý do mang tính cá nhân và họ tự cho phép mình suy nghĩ theo kiểu “cha chung sẽ không cần ai khóc” hoặc việc mình mình làm, không cần quan tâm đến việc của người khác...
Ý nghĩ, hành vi tiêu cực như những con vi trùng trú ẩn ở khắp nơi trong môi trường sống. Sự phát tán của chúng sẽ không chỉ gây hại đến một cá nhân hay một nhóm nhỏ, mà nó đe dọa đến “sức khỏe” của cả cộng đồng. Vì vậy, ai cũng phải có trách nhiệm phát hiện kịp thời và cùng cộng đồng cô lập, xử lý những con vi trùng đó để tránh dịch bệnh lây lan dẫn đến những tổn hại khôn lường về sau.
Một gia đình, một tổ chức hay một quốc gia muốn bền vững và phồn thịnh thì việc đấu tranh chống tiêu cực phải được coi trọng; và việc kiểm tra, kiểm soát cần được thực hiện một cách thường xuyên và có hệ thống. Muốn thực hiện được như vậy, lòng tử tế trong ứng xử, giao tiếp phải được đặt lên hàng đầu, có như vậy thì khi mọi người tương tác với nhau sẽ dễ cảm thông và thuận thảo hơn, việc hợp tác mới có kết quả như mong muốn - mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân và cho toàn cộng đồng.
NHQ
TAG: