Hội trường lầu 6 của Trường Đại học Mở TP.HCM hầu như không còn hàng ghế trống, đề tài “Văn hóa khởi nghiệp” của buổi giao lưu và chia sẻ giữa một số doanh nhân CLB Doanh nhân Sài Gòn và sinh viên trường đã thật sự gây sức hút. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2013 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn và CLB Doanh nhân Sài Gòn phối hợp tổ chức.
Đến với buổi chia sẻ và giao lưu lần này, các em đã bộc lộ những suy tư và đắn đo trước sự biến động của nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây, hoài nghi về tính khả thi của những lời giáo huấn mà bậc tiền nhân Lương Văn Can đã đưa ra: kinh doanh phải trung thực và hiếu nghĩa. Điều này liệu có còn phù hợp với tình hình chung của một xã hội hiện nay khi “tập tục” đưa phong bì đã thành lệ làng; khi hàng dỏm, hàng nhái, hàng giả tràn lan…? Có phải muốn làm kinh doanh là phải biết nhậu mới ký được hợp đồng? Nỗi ám ảnh bị sai vặt khi được tuyển dụng. Bao nhiêu đề án đã đoạt Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can trong 2 mùa thi trước được đi vào thực tế? Một khi đã khởi nghiệp thì làm sao quy tụ người tài để không nuôi ong tay áo? Có một nguyên tắc hay hình mẫu chung cho văn hóa khởi nghiệp để tham chiếu? Có cách nào để cổ súy cho các bạn sinh viên sau 4 năm xa quê đến với giảng đường đại học chịu quay về xứ sở mình làm việc và lập nghiệp?...
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Đầu tư thương mại SMC đã thừa nhận những mặt yếu và thiếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Cách cư xử của các ông/bà chủ đôi lúc mang tính gia đình, chuyện “nhờ vả” dường như trở thành một thói quen và cần có thời gian điều chỉnh theo quá trình tiến hóa của xã hội.
Với tính cách năng động, hoạt bát và mạnh mẽ, bà Dương Thị Ngọc Thủy (mang biệt danh Miss Áo Dài) không dừng lại với sự thừa nhận chung chung. Bà nói: “Gái có công, chồng không phụ”, các em sinh viên cần học lấy những điều cần học từ những việc nhỏ như pha nước, châm trà (sao cho không thừa, không thiếu), photo (sao cho đẹp và tiết kiếm giấy)… Ngoài những công việc đòi hỏi tính chuyên môn còn cần phải biết làm những việc khác, đó là những kỹ năng sống cần được trau dồi và thực hành. Và dường như chỉ có con người ta nhìn công việc dưới giác độ hèn thấp chứ thực tế theo phân công xã hội thì không có công việc gì được xem là thấp hèn cả. Sự tận tụy là điều cần có và chắc chắn được thừa nhận.
“Nền kinh tế luôn có tính chu kỳ, cơ hội luôn dành cho những người trong tư thế sẵn sàng, hãy luôn là chính mình trong mọi hoàn cảnh. Trong kinh doanh, nhậu chỉ là một chút gia vị trong sự giao tiếp. Thành công được đặt trên nền tảng sự chân thành và quan tâm lợi ích của đối phương”, là những lời nhắn gửi chân thành từ doanh nhân Ngô Vi Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ công nghệ tin học HPT.
Bằng những trải nghiệp trong công tác điều hành Sài Gòn Foods nhiều năm qua, bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó TGĐ khẳng định: “Thực tế cho thấy, chỉ có những doanh nghiệp/doanh nhân làm ăn chân chính thì mới tồn tại và phát triển lâu bền”.
“Không nên lý tưởng hóa mọi thứ trong một xã hội còn nhiều tập tục và lệ làng” - đó là chia sẻ về mặt quan điểm của bà Phan Thị Tuyết Mai - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty thủy sản Tài Nguyên. Bà Mai cho biết, trong 78 đề án đoạt giải hai mùa trước, có khoảng 15-16 đề án đã được hiện thực hóa.
Doanh nhân Thanh Hà sau những nỗ lực để vượt qua những khó khăn chung của ngành bất động sản đã đưa ra lời khuyên với giới trẻ: “Trong kinh doanh, ngoài những yếu tố cần như tài chánh, kỹ năng, chuyên môn thì rất cần vốn sống”.
Đúc kết từ kiến thức hàn lâm và thực tiễn, thạc sĩ Mỹ Châu - tổ hợp giáo dục TOPICA đã có lời chia sẻ: “Văn hóa là do chính con người tạo ra. Từ hình thành cho đến định hướng. Sẽ không có một mẫu hình chung hay nguyên tắc để ứng dụng”.
Và cuối cùng, đối với thắc mắc về việc nên hay không trở về quê hương lập nghiệp, những người đi trước chia sẻ với giới trẻ: Đi hay ở là quyền quyết định của mỗi người, xã hội luôn trân trọng những đóng góp và cống hiến cho quê nhà, các em hãy tự xác định năng lực bản thân và làm chủ chính mình.
NHQ
TAG: